Đưa vào sử dụng phần mềm cảnh báo hàng giả

14:22, 06/09/2022

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mới xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử nhằm chống hàng giả, bảo vệ sản phẩm toàn diện và cảnh báo hàng giả tới doanh nghiệp, khách hàng.

Ứng dụng của hệ thống xác thực hàng chính hãng sản phẩm cung cấp được khả năng truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm.

Hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử được Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa vào vận hành tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/.

Theo đó, đơn vị này đã xây dựng hệ thống phần mềm xác thực hàng chính hãng trên nền thiết bị di động với hệ thống phần mềm QRCode tĩnh và QRCode động nhằm góp phần chấm dứt nỗi lo hàng giả, hàng nhái với sự hỗ trợ từ công nghệ.

Phần mềm này sẽ giúp chống mọi hình thức giả mạo, bảo vệ sản phẩm toàn diện; đồng thời, cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp và khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng, phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối.

Ông Đỗ Đình Tấn, Phụ trách Phòng Nghiệp vụ và vận hành, Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) khẳng định, ứng dụng này có khả năng truy xuất giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng. Với hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…

Công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước. Ngoài ra, với công nghệ QRCode tĩnh, sản phẩm được giới thiệu và dẫn tới trang web của nhà cung cấp sản phẩm hoặc một trang giới thiệu sản phẩm. QRCode + serial được sinh ra trên hệ thống và được cài đặt nhằm chỉ quét tối đa 1 lần. Nếu quét lần tiếp theo sẽ hiển thị trang báo lỗi. Như vậy, sẽ không bị hiện tượng sao chép hình ảnh QRCode để in làm giả.

Thông thường hình ảnh code/serial được phủ cào để chống giả, đồng thời tránh trường hợp bị quét trước khi mua hàng. Khách hàng khi mua hàng thành công thì mới cào lớp phủ cào để quét xem thông tin liên quan đến chống giả (so sánh số serial, số lần quét…) và quét lần thứ 2 sẽ hiện trang báo lỗi (sản phẩm đã bán…).

Code tĩnh được in kèm để làm chức năng truy xuất nguồn gốc. Theo đó, khách hàng có thể "check" nhiều lần trên code tĩnh này trước khi mua hàng để biết thông tin về nhà sản xuất, thông tin sản phẩm… mà không ảnh hưởng đến việc bán hàng, chống giả của code kia.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp.

Như vậy, việc xây dựng hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode của Bộ Công Thương giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh nguồn gốc của hàng hóa. Đây không chỉ là giải pháp để các doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng mà còn giúp bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp.

Từ đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

Trong tương lai, khi công nghệ ngày càng được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng QRCode sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng.

“Thời gian tới, Trung tâm tin học và Công nghệ số sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối để hoàn thiện thêm hệ thống chứng thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử. Đồng thời duy trì vận hành và triển khai rộng rãi, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử một cách hiệu quả thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Đỗ Đình Tấn cho hay.

Theo Báo Hànộimới