Đừng khởi nghiệp, nếu không yêu thích đến mức bị ám ảnh và quyết tìm mọi cách vượt qua!
(THĐS) - Mọi dự án khởi nghiệp đều được bắt nguồn từ một ý tưởng đặc biệt, độc đáo. Nếu ý tưởng chưa đủ “độc” và không thực sự khả thi, dự án khởi nghiệp sẽ không bao giờ vươn tới đích thành công. Làm sao để nhận biết một ý tưởng là phù hợp để đầu tư hết sức cho khởi nghiệp?
Khi đã trở thành những doanh nhân lớn, các tỷ phú đều o bế và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp của mình
Có ý tưởng kinh doanh độc đáo: Chưa đủ!
Khi nghĩ tới khởi nghiệp, người ta luôn cần tới điểm xuất phát là một ý tưởng đặc biệt. Tại sao lại phải đặc biệt? Vì nếu ý tưởng đó đã được thực hiện rồi, sẽ chẳng có lý do gì để thị trường quan tâm tới một “kẻ lặp lại”. Nhưng nảy ra một ý tưởng chưa ai có, chưa ai làm, không có nghĩa dự án khởi nghiệp đã có thể bắt đầu.
Rất nhiều người trẻ có ý tưởng kinh doanh độc đáo. Nhưng chỉ một phần trong số đó trăn trở với ý tưởng của mình, để vạch ra thành một bản kế hoạch sơ lược. Phần còn lại chỉ nảy ra ý tưởng trong đầu, dành vài phút nghĩ về nó nhưng lại phí phạm vài giờ để vẽ ra mộng tưởng về thành công.
Khi bản kế hoạch sơ lược được triển khai, những trúc trắc và va vấp bắt đầu xuất hiện. Và chỉ một phần trong số này vượt qua được để có bản kế hoạch triển khai chi tiết cho mình. Nó tựa như một hệ phương trình có rất nhiều ẩn số, và cuộc chơi không dành cho những người dễ nản chí, khi chỉ tìm ra vài kết quả là đã buông bút vì không chịu nổi những ẩn số khó tiếp theo.
Và khi bản kế hoạch chi tiết thành hình, sẽ còn rất nhiều bước nữa để dự án start-up đi vào hoạt động trên thực tế. Nói như thế để thấy rằng, con đường biến ý tưởng thành một dự án start-up “chạy” được không hề bằng phẳng, mà rất dài và có nhiều chướng ngại vật phải vượt qua. Bởi thế, ý tưởng ban đầu phải rất độc đáo và khả thi, thì người chủ dự án khởi nghiệp mới có thể băng qua con đường trắc trở đó.
Vị tỷ phú người Mỹ Mark Cuban - vốn là nhà đầu tư kiêm ngôi sao của chương trình thực tế “Shark Tank” của đài ABC - từng nói rằng: “Đừng khởi nghiệp nếu bạn không yêu thích đến mức bị ám ảnh bởi ý tưởng kinh doanh đó. Nếu bạn đã có sẵn chiến lược, đó không còn là nỗi ám ảnh”.
Tỷ phú người Mỹ Mark Cuban
Tư duy khích lệ ý tưởng khởi nghiệp luôn có trong những bộ óc chiến lược của các doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, từng khởi nghiệp trong gian khó và quá trình vươn tới thành công của họ quả là có cơ sở. Hay nói như tỷ phú Donald Trump - Tổng thống Mỹ đương nhiệm từng chia sẻ: “Tôi thích nghĩ lớn. Nếu đằng nào bạn cũng phải suy nghĩ, thì hãy nghĩ lớn!”.
Đây là lời chia sẻ rất thiết thực và ý nghĩa, bởi một khi chưa yêu ý tưởng của mình tới mức ám ảnh, chúng ta khó có động lực để “sống chết” cùng ý tưởng đó. Nhưng sự ám ảnh thì không giúp start-up thành công. Thay vào đó, chỉ có cách lên kế hoạch và chiến lược cụ thể, sự ám ảnh mới biến mất, để nhường chỗ cho thực tế đánh giá.
Bản thân tỷ phú Mark Cuban từng khởi nghiệp với những ý tưởng bị cho là điên rồ, không hợp thời đại, chẳng hạn như mở dịch vụ radio trực tuyến Broadcast.net để truyền thông tin về các trận đấu bóng rổ địa phương qua internet.
Bị chê cười, nhưng ông đã chứng minh được điều ngược lại, để rồi khi bán lại Broadcast.net cho Yahoo vào tháng 4-2000 và thu về 5,7 tỷ USD, Mark Cuban đã khiến tất cả phải khâm phục.
“Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”
Tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã từng có lần phá sản khi khởi nghiệp nhưng đến khi trở thành ông chủ của “đế chế” Vingroup có mức vốn hóa nhiều tỷ đô la trên sàn chứng khoán, thì Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn muốn mình và mọi nhân viên giữ được tinh thần của những ngày đầu tiên. Ông đã đổi slogan của tập đoàn Vingroup từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” để “mọi người giữ mãi cái ngọn lửa ấy, ý chí ấy, tinh thần làm việc đấy”.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes
Lý do là ông Phạm Nhật Vượng thấy công ty của mình còn “quá nhỏ bé so với các công ty khác trên thế giới, còn quá nhiều việc phải làm và chưa có gì để khoe khoang” nên phải “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Chủ tịch Vingroup cho rằng, tập đoàn này đã phát triển nhưng chưa đạt mức thịnh mà có rất nhiều đỉnh cao khác cần phải đạt tới.
Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát cũng vậy, khi giá trị của doanh nghiệp này đã lên tới hàng tỷ đô la nhưng người chủ tập đoàn vẫn luôn định hướng nhân viên chia sẻ các ý tưởng “như đang khởi nghiệp”. Từ một phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 90 của thế kỷ trước, dưới sự chèo lái của CEO Trần Quí Thanh, Tân Hiệp Phát đã trở thành một tập đoàn nước giải khát hàng đầu quốc gia và vươn tầm quốc tế, xuất khẩu đến 20 nước, có thể vượt lên cả “người khổng lồ” ở những thị trường địa phương như hiện nay.
Nhưng ông Trần Quí Thanh chia sẻ rằng, bản thân ông đã có không ít ý tưởng khởi nghiệp - thành công có, thất bại có - và ông cũng từng xem xét, đánh giá vô số ý tưởng khởi nghiệp của các nhân viên, nhằm đóng góp để xây dựng Tân Hiệp Phát lớn mạnh hơn.
“Tôi luôn định vị rằng hôm nay phải hơn ngày hôm qua, nhưng lại không bằng ngày mai được. Có như vậy, tất cả mới nỗ lực, không bằng lòng với những gì đã có, để hướng tới mục tiêu vươn ra biển lớn. Muốn làm được như thế, luôn cần có tư duy và ý tưởng của những người khởi nghiệp”, ông Trần Quí Thanh chia sẻ.
Tư duy khích lệ ý tưởng khởi nghiệp
Khi nhìn nhận các ý tưởng khởi nghiệp, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, ý tưởng thì không dễ, nhưng không phải khi có ý tưởng đã là có giá trị. Bởi ý tưởng chỉ thực sự có giá trị khi trở thành sản phẩm thành công lúc đưa ra thị trường. “Để biến ý tưởng thành sản phẩm thành công, phải có những điều kiện tiên quyết, không thì chỉ là ngồi “nói dóc”. Trước hết, ý tưởng đó phải là độc quyền, và người đưa ra ý tưởng có khả năng chuyên môn để thực hiện”, ông Trần Quí Thanh bày tỏ. Bởi theo ông, không phải phát minh độc quyền nào cũng có giá trị trong ứng dụng. Nếu không thể thương mại hóa, khi đó, ý tưởng độc quyền trở nên vô giá trị theo đúng nghĩa đen.
Ý tưởng hay và khả thi trong quan điểm của Dr. Thanh là khi ứng dụng thực tế, sản phẩm hay dịch vụ phải tránh vướng vào quá nhiều ràng buộc điều kiện kinh doanh, và không đòi hỏi một lượng vốn quá lớn ban đầu để triển khai, bởi tất cả điều đó sẽ khiến ý tưởng rơi vào “vùng rủi ro”, khó bật lên để thành công.
Hai cha con doanh nhân Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương cùng chung tư duy khích lệ khởi nghiệp trong Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Tại Tân Hiệp Phát, các nhân viên thường xuyên được đề nghị chủ động trình bày quan điểm, ý tưởng của mình. Với những ý tưởng có tiềm năng, người phát kiến sẽ được yêu cầu cụ thể hóa bằng một bản kế hoạch sơ lược, trước khi phải trả lời hàng loạt câu “chất vấn” để giải quyết những khúc mắc có thể gặp - thực chất đây là quá trình hỗ trợ và cố vấn của người lãnh đạo, để cùng xây dựng chiến lược chi tiết cho ý tưởng ban đầu.
Có thể nói, tư duy khích lệ ý tưởng khởi nghiệp luôn có trong những bộ óc chiến lược của các doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đôla, từng khởi nghiệp trong gian khó và quá trình vươn tới thành công của họ quả là có cơ sở. Hay nói như tỷ phú Donald Trump - Tổng thống Mỹ đương nhiệm từng chia sẻ: “Tôi thích nghĩ lớn. Nếu đằng nào bạn cũng phải suy nghĩ, thì hãy nghĩ lớn!”.
Nguồn: Theo An Ninh Thủ Đô