Ðề xuất xây dựng trung tâm CNTT cho ngành y tế
Ngày 11-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị báo cáo viên TP HCM tháng 3-2020 với chuyên đề "Ðề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030". PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, báo cáo tại hội nghị.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hướng đến xây dựng y tế thông minh của ngành y tế TP trong những năm qua có 5 nhóm hoạt động chính.
Ðầu tiên là nhóm hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, gồm nguồn nhân lực của ngành y tế, sức khỏe của người dân TP… Ðây là công cụ tra cứu dễ dàng những thông tin cần thiết về cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân, là kênh thông báo của Sở Y tế trực tiếp đến từng người dân về các vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.
Kế đến là nhóm hoạt động triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo đó, xây dựng ứng dụng "Tra cứu nơi khám chữa bệnh" với mục đích là kênh tiếp thị chính thống của các bệnh viện (BV) và các cơ sở khám chữa bệnh đang hoạt động trên địa bàn TP kể cả công lập và tư nhân; triển khai nhiều ứng dụng tiện ích cho người bệnh tại các BV, triển khai ki-ốt "Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh"; người dân có công cụ để phản ánh đến lãnh đạo các BV và Sở Y tế, qua đó, giúp các BV biết được không hài lòng của người dân tập trung vào những khâu nào của quy trình khám bệnh; lập hồ sơ sức khỏe điện tử với mục tiêu "Mỗi người dân thành phố, một hồ sơ sức khỏe điện tử" để phấn đấu đến năm 2025 có 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Với nhóm hoạt động thứ 3, Sở Y tế triển khai các ứng dụng CNTT trong phát triển chuyên môn và công tác quản trị BV góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các BV để người dân tin tưởng vì được trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa của TP, bác sĩ ở trạm y tế không còn cảm giác đơn lẻ một mình, an tâm công tác.
Với nhóm này, ngành y tế sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các BV; triển khai hệ thống nhắc và giám sát thời gian thực trong thực hành kê đơn; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các BV, hướng đến xây dựng "BV không giấy"...
Ở nhóm hoạt động chính thứ 4, Sở Y tế sẽ triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế. "Ở nhóm này từ tháng 1-2019, Sở Y tế chính thức ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế (liên thông với Cổng dịch vụ công của TP).
Theo đó, hiện tại đã có 116/150 (77,3%) hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 (30%) và cấp độ 4 (70%); tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến là 100%. Ðặc biệt, Sở Y tế đã triển khai kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại TP HCM vào cơ sở dữ liệu dược quốc gia" - ông Tăng Chí Thượng thông tin.
Nhóm hoạt động chính thứ 5 của ngành y tế TP là triển khai các ứng dụng CNTT nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời kỳ dịch Covid-19 và trong bối cảnh bình thường mới.
Các bệnh viện ở TP HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định "Ðề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" là vô cùng cần thiết bởi giúp hệ thống hóa và định hướng phát triển chuyển đổi số của ngành y tế TP cho phù hợp với những yêu cầu chung của Bộ Y tế và yêu cầu của UBND TP, góp phần xây dựng đô thị thông minh.
Theo đó, ngành tế TP sẽ xây dựng lộ trình, làm rõ và tách biệt 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên, đó là nhóm hoạt động chuyển đổi số (để giảm phiền hà và than phiền của người dân), nhóm hoạt động xây dựng y tế thông minh (để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân). Qua đó, giúp phân bổ nguồn lực hợp lý để xây dựng y tế thông minh.
Tuy nhiên, ông Tăng Chí Thượng cũng chỉ ra những thách thức khi thực hiện đề án, đó là hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng. Nguyên nhân chính của khó khăn này là do thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng CNTT của BV.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan phải kể đến là một số BV còn gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu.
Thách thức tiếp theo là nguồn nhân lực chuyên trách CNTT, theo ông Tăng Chí Thượng, thực tiễn cho thấy những BV được xem là có hệ thống thông tin mạnh chính là những BV có đội ngũ chuyên trách CNTT mạnh, cả về số lượng và kinh nghiệm chuyên môn.
Ở đây có thể kể đến BV Ðại học Y Dược TP HCM, BV Thủ Ðức, BV Nhi Đồng 1. Ðây là những BV tự tạo ra các phần mềm ứng dụng cho riêng mình xuất phát từ nhu cầu phát triển của đơn vị. Tuy nhiên, số BV như vậy còn ít và rất khó nhân rộng do không tuyển dụng được các chuyên gia CNTT có kinh nghiệm.
Hầu hết dự án ứng dụng CNTT tại BV là do các công ty phần mềm thực hiện nhưng không phải tất cả chuyên gia CNTT của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế và cũng không ít trường hợp BV vẫn không hài lòng với sản phẩm...
Ðể tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đề xuất TP xây dựng một trung tâm CNTT chuyên trách trong lĩnh vực y tế. Theo đó, trung tâm CNTT sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia quản lý và chuyên gia CNTT có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị BV, làm đầu mối để triển khai các chiến lược phát triển CNTT của ngành y tế.
Ðặc biệt, trung tâm CNTT sẽ là đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cho các BV triển khai những dự án CNTT. "Việc xây trung tâm CNTT cho ngành y tế cũng là mong muốn của hầu hết giám đốc BV ở TP HCM hiện nay" - PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Minh Thùy (T/h)