Facebook lại gặp rắc rối từ vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica

15:52, 30/10/2020

2 năm sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, Facebook tiếp tục phải đối mặt với những tranh chấp pháp lý diễn ra tại Anh.

Vụ kiện nhóm - có tên Facebook You Owe Us, đang được dẫn dắt bởi công ty luật Milberg London và hỗ trợ bởi cựu Giám đốc điều hành Richard Lloyd. Nhóm này cho rằng, hành động pháp lý cần thiết sẽ giúp những người dùng có dữ liệu bị lạm dụng tiến hành yêu cầu bồi thường.

Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) đã đạt được thỏa thuận với Facebook vào năm ngoái về trường hợp này, bao gồm việc nộp phạt 500.000 bảng Anh (khoảng 649.000 USD). ICO đã dẫn đầu cuộc điều tra ở châu Âu và họ muốn hiểu làm thế nào mà một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ như vậy (chủ yếu thuộc về công dân của Mỹ và Vương quốc Anh) lại rơi vào tay công ty tư vấn Cambridge cung cấp dịch vụ tranh cử của Trump.

“Chúng tôi tin rằng Facebook đã vi phạm luật vì không bảo vệ được thông tin cá nhân của người dùng khỏi bị lạm dụng”, Alvin Carpio, người phụ trách điều hành nhóm này cho biết trong một tuyên bố, "Khoản tiền phạt ít hơn 0,01% doanh thu hàng năm rõ ràng là không đủ răn đe với những vi phạm mà Facebook đã mắc phải”. “Khi sử dụng Facebook, chúng tôi hy vọng rằng dữ liệu cá nhân của mình đang được sử dụng một cách có trách nhiệm, minh bạch và hợp pháp”, Alvin Carpio nói thêm.

Facebook đã đạt được thỏa thuận dàn xếp lịch sử trị giá 5 tỷ USD với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào tháng 7/2019 để giải quyết cuộc điều tra về hoạt động bảo mật của họ do vụ bê bối Cambridge Analytica. Facebook cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến thủ tục pháp lý của Vương quốc Anh. Đại diện Facebook nói: “ICO đã điều tra những vấn đề này, bao gồm thu giữ và phân tích các máy chủ của Cambridge Analytica, nhưng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Dr Kogan đã chuyển dữ liệu của người dùng Anh hoặc EU sang Cambridge Analytica”.

Vụ bê bối bắt nguồn từ một ứng dụng sử dụng Facebook để thực hiện các bài kiểm tra tính cách, ứng dụng này đã truy cập thông tin của hàng triệu người mà không được phép. Facebook sau đó đã xin lỗi và cho phép người dùng kiểm tra xem "ứng dụng bị cấm" nào đã truy cập vào dữ liệu của họ.

Kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica vào tháng 3/2018, mối quan hệ của Facebook với các cơ quan bảo mật và chống độc quyền của châu Âu đã xấu đi. Liên minh châu Âu trước đó tiến hành hai cuộc điều tra về dịch vụ quảng cáo được phân loại của Facebook và hoạt động kinh doanh dữ liệu của họ. Các cơ quan chống độc quyền của Đức từng nhắm mục tiêu vào Facebook và gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng vướng vào nhiều tranh chấp về quyền riêng tư ở Ireland, nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu.

Theo nhóm Facebook You Owe Us, nếu biện pháp này thành công, nó sẽ cho thấy giá trị của dữ liệu cá nhân đối với các cá nhân và "Facebook không thể chỉ đơn giản là thu thập thông tin người dùng và thu lợi một cách bất hợp pháp, nhưng lại không trả tiền cho người dùng bị ảnh hưởng”. Năm ngoái, một công ty có tên Google You Owe Us sau khi được Thẩm phán phúc thẩm London chấp thuận, đã đại diện cho hàng triệu người dùng iPhone chống lại các hành động thu thập dữ liệu của Google.

"Các trường hợp như Facebook You Owe Us và Google You Owe Us cung cấp cho người tiêu dùng một biện pháp khắc phục quan trọng", James Oldnall, đối tác quản lý truyền thông của công ty luật Milberg London cho biết. "Các tòa án đang bắt đầu công nhận giá trị của dữ liệu cá nhân và kiện tụng ủy quyền là một cơ chế hữu ích để bắt buộc các công ty chịu trách nhiệm về việc sử dụng dữ liệu trái phép”, ông James nói

Hành động pháp lý hàng loạt như vậy chưa từng có tiền lệ ở Anh, nhưng tại Mỹ thì có. Google từng phải trả một khoản tiền lên đến 16,8 triệu bảng Anh (22,5 triệu USD) trong một vụ kiện do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đưa ra về cùng một vấn đề vào năm 2012.

Theo ictnews.vietnamnet.vn