FBI cho rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia tại Mỹ
Ngày 15/11, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, cơ quan này "đặc biệt quan ngại" về ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok đối với người dùng tại Mỹ.
FBI cho rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia tại Mỹ.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện liên quan các mối đe doạ toàn cầu, Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng: "Chúng tôi có các quan ngại về an ninh quốc gia đối với TikTok".
"Điều này bao gồm khả năng ứng dụng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng cũng như các thuật toán có khả năng được sử dụng trong những hoạt động gây ảnh hưởng hoặc cơ hội xâm nhập thiết bị cá nhân" - Giám đốc FBI nhấn mạnh.
Nhận định của người đứng đầu FBI phản ánh đánh giá của các quan chức trong Chính phủ Mỹ và thành viên Quốc hội khác, những người đang hoài nghi về khả năng bảo vệ thông tin người dùng tại Mỹ của nền tảng mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc .
TikTok hiện vẫn khẳng định không lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại Trung Quốc. Đại diện TikTok cho biết: "Công ty không thể bình luận chi tiết về những cuộc thảo luận bí mật đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng có thể đáp ứng đầy đủ các mối quan ngại hợp lý về an ninh quốc gia của Mỹ".
Trước đó, theo Forbes đưa tin, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã tìm cách sử dụng ứng dụng này để theo dõi vị trí cụ thể của một số công dân Mỹ. TikTok đã lập tức bác bỏ báo cáo trên, phủ nhận việc theo dõi công dân Mỹ và chỉ trích Forbes vì cáo buộc này.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden được cho là đã gần đạt được thỏa thuận cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ kèm theo các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn. Giám đốc FBI cho biết, mọi chi tiết về hành động của TikTok sẽ được giám sát kỹ càng, đồng thời cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất giải pháp đánh giá đầu tư của các công ty nước ngoài có sử dụng thông tin đầu vào từ cơ quan điều tra liên bang để xem xét.
Đầu tháng này, TikTok cập nhật chính sách mới, cho phép nhân viên tại một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc… có thể truy cập dữ liệu người dùng tại châu Âu. Theo đó, dữ liệu của người dùng châu Âu có thể được nhân viên ở các khu vực khác truy cập. Điều này nhằm đảm bảo trải nghiệm trên ứng dụng được nhất quán, thú vị và an toàn.
Chính sách mới của TikTok có hiệu lực từ ngày 2/12, áp dụng cho thị trường Anh, khu vực kinh tế châu Âu, Thụy Sỹ trong bối cảnh ứng dụng đang bị giám sát ngày càng gắt gao trên toàn cầu.
Thiên Thanh (T/h)