GDP Việt Nam tăng trưởng, nguồn thu chính của Panasonic sẽ không dừng lại ở con số 1.300 tỷ

14:06, 06/08/2024

Từ năm nay trở đi, khi GDP Việt Nam dự kiến quay lại phát triển ở mức 6-7% và cao hơn nữa trong tương lai, chắc chắn doanh thu của Panasonic Electric Works Việt Nam sẽ khác…

Công nhân đo kiểm chất lượng tại nhà máy Panasonic Electric Works Việt Nam.

Ông Masashi Sakabe, Tổng giám đốc Panasonic Electric Works Việt Nam trả lời VnEconomy liên quan đến câu hỏi về bức tranh doanh thu cũng như những kế hoạch và kỳ vọng của Panasonic tại thị trường Việt Nam nhân chuyến thăm Nhà máy ECM - Nhà máy sản xuất Thiết bị nối dây và Cầu dao tự động tại Bình Dương (Việt Nam) của Panasonic tại Bình Dương mới đây.

Theo ông Masashi Sakabe, trong hai năm 2022-2023, thị trường rất khó khăn trong nhiều mảng, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản tại các dự án chung cư, dự án căn hộ lớn, khiến hoạt động kinh doanh của Panasonic tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Nhà máy của Panasonic Electric Works Việt Nam tại Bình Dương.

Lãnh đạo Panasonic Electric Works Việt Nam, cho biết doanh thu năm tài chính 2022 của nhà máy đạt 3.700 tỉ đồng với số lượng nhân viên khoảng 1.500 người. Năm 2023, mảng kinh doanh chính của công ty là sản phẩm cơ sở hạ tầng gồm thiết bị nối dây, cầu dao (cầu dao SH, cầu dao HB), bảng phân phối điện… đã mang về cho Panasonic Việt Nam 1.341 tỷ đồng, trong đó mảng thiết bị nối dây chiếm tới 67%, cầu dao HB chiếm 19% và cầu dao SH là 14%.

Về thị trường tiêu thụ của mảng thiết bị nối dây, Việt Nam chiếm chi phối, tới 79%, ngoài ra Panasonic Electric Works Việt Nam còn xuất sang thị trường Nhật Bản (17%) và Thái Lan (5%).

Theo Tổng giám đốc Masashi Sakabe, từ năm 2024 trở đi, khi nền kinh tế sự báo tăng trưởng trở lại với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6 – 7% và cao hơn trong tương lai, khi đó các mảng như dự án chung cư, nhà ở và đặc biệt là sản phẩm căn hộ lớn sẽ hồi phục, do vậy đầu ra cho các sản phẩm của Panasonic Electric Works chắc chắn cũng sẽ tốt hơn.

“Bởi vậy chúng tôi kỳ vọng doanh số của công ty trong năm 2024 và những năm tới sẽ vượt kỳ vọng”, ông Masashi Sakabe cho hay.

Mẫu các sản phẩm của Panasonic tại các thị trường được trưng bày tại Panasonic Electric Works Việt Nam.

Đầu năm 2024, Panasonic Electric Works tiếp tục đưa vào sử dụng nhà xưởng số 2 nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất đáp ứng cho nhu cầu tại thị trường Việt Nam và cho xuất khẩu. Tòa nhà mới được khởi công vào năm 2022, bắt đầu lắp đặt dây chuyền sản xuất từ tháng 9/2023 và chính thức hoạt động toàn diện từ tháng 1/2024.

Với diện tích sử dụng tăng thêm 10.940m2, Panasonic Electric Works đẩy mạnh tối ưu hóa dây chuyền nhằm mục đích rút ngắn thời gian sản xuất và giao hàng. Công ty cũng đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tự động hóa đã được phát triển tại Nhật Bản và dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ tự động hóa lên gấp đôi hiện tại, hướng đến công suất 150 triệu sản phẩm/năm, gấp đôi quy mô nhà máy Tsu Nhật Bản trong vài năm tới.

Công nhân tại nhà máy được đào tạo không chỉ về sản xuất sản phẩm mà còn về an toàn lao động.

Cũng theo Tổng giám đốc Masashi Sakabe, thời gian tới Panasonic Electric Works Việt Nam sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nối dây cho nhà ở thông minh và mở rộng thêm nhiều các sản phẩm khác như MCCB (cầu dao công suất lớn sử dụng trong các khu chung cư, đồng thời sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh thiết bị chiếu sáng – lĩnh vực đang chiếm tỷ trọng thấp nhất trong bức tranh doanh thu của công ty.

Nhà máy của Panasonic Electric Works Việt Nam lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời để bổ sung nguồn điện tương đương 422kW, chiếm 15% điện dùng sản xuất.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/gdp-viet-nam-tang-truong-nguon-thu-chinh-cua-panasonic-se-khong-dung-lai-o-con-so-1-300-ty.htm