Giá trị giao dịch quét mã QR trung bình năm 2024 tăng 20%

10:52, 10/01/2025

Năm 2024 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam. Vượt trên các phương thức thanh toán khác, thanh toán QR và thanh toán công nghệ NFC đã trở thành những "người dẫn đường" trong hành trình số hóa của nền kinh tế.

Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, tổng giá trị giao dịch (GTV) thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam năm 2024 đạt 149 tỷ USD, trong khi năm 2023 đạt 126 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch quét mã QR trung bình năm 2024 tăng 20%- Ảnh 1.

Người tiêu dùng dần quen thuộc với thanh toán chuyển khoản bằng quét mã QR. Ảnh: Thanh Niên

Tương tự, báo cáo hoạt động thanh toán điện tử năm 2024 qua Payoo chỉ ra, trong năm 2024, giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR tăng 20% so với năm 2023.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8% - 10% mỗi tháng, thanh toán QR hiện không chỉ phổ biến khi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay thanh toán bữa ăn mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như điện máy, nội thất, trang sức và thậm chí cả đầu tư tài chính. 

Bên cạnh QR, 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC. Trong khi thanh toán không chạm tăng khoảng 6% mỗi tháng thì hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm 2% - 3% mỗi tháng.

Số liệu từ Payoo, trong thanh toán không tiếp xúc, phương thức thanh toán tích hợp thẻ vào thiết bị di động của hãng Apple (Apple Pay) đang dẫn đầu. Với tốc độ tăng trưởng trên 15% mỗi tháng, Apple Pay trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.

Về tỷ trọng thanh toán trên tổng các ngành nghề, địa phương cũng có sự chuyển dịch lớn, từ 60% trực tuyến - 40% thanh toán tại điểm (năm 2023) đến 65% trực tuyến - 35 % thanh toán tại điểm trong năm 2024.

Hà Nội và TP HCM tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt trong năm 2024. Ngoài ra còn có một số tỉnh, thành phố ghi nhận tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử trên 7% mỗi tháng như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

Với những con số trên, có thể thấy cùng với tăng trưởng của thanh toán số, hành vi thanh toán của người dùng đang dần thay đổi. Không chỉ đơn giản là chuyển dịch từ tiền mặt sang không tiền mặt, mà ngay trong phạm vi không tiền mặt, những hình thức thanh toán mới đang lan tỏa rộng rãi trong khi thanh toán điện tử truyền thống dần thu hẹp.

Phân tích từ nền tảng Payoo, bức tranh tiêu dùng 2024 có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm hàng hóa và dịch vụ. 

Nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh gồm mặt hàng thời trang, thiết bị sức khỏe, thể thao và giáo dục, tăng khoảng 25% so với mức bình quân chung các nhóm ngành khác. Thống kê trong vòng 2 năm nay của Payoo cho thấy, xu hướng đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe không chỉ được duy trì mà ngày càng thể hiện rõ nét hơn.

Nhóm tăng tương đương so với bình quân chung của toàn hệ thống gồm có nhóm dịch vụ ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, vui chơi giải trí,... Nhóm nữ trang, đồng hồ, hàng xa xỉ tuy vẫn duy trì được sự quan tâm của người dùng, nhưng có xu hướng giảm nhẹ tại một số thời điểm trong năm. 

“Điều này có thể phản ánh xu hướng người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện diện”, Payoo nhấn mạnh.