Giải mã công nghệ bắt việt vị bán tự động trận mở màn World Cup 2022
Trận đấu đầu tiên của World Cup 2022 đã chứng kiến dấu ấn công nghệ mới lần đầu tiên sử dụng trong giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh - công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT).
- Qatar thiết lập trung tâm công nghệ trí tuệ nhân tạo để tránh thảm kịch giẫm đạp ở World Cup 2022
- Qatar đầu tư hệ thống điều phối AI cho World Cup 2022
- World API & AI 2022: Thu hút sự tham gia của hơn 500 lãnh đạo công nghệ trên toàn thế giới
- Công nghệ VAR trên sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam - Australia
SAOT được xây dựng nhằm hỗ trợ trọng tài đưa ra các quyết định việt vị một cách nhanh chóng và chính xác hơn và công nghệ này đã lập tức phát huy tác dụng trong trận khai mạc World Cup 2022 giữa đội chủ nhà Qatar và đại diện đến từ Nam Mỹ Ecuador.
Phút thứ 3, cầu thủ của Ecuador đưa bóng vào lưới Qatar sau sai lầm của thủ môn đội chủ nhà. Tuy nhiên, trọng tài Orsato nhận tín hiệu từ các trợ lý và nhanh chóng ra hiệu huỷ bàn thắng. Đa phần khán giả còn đang ngơ ngác không hiểu vì sao tổ trọng tài hỗ trợ video (VAR) kiểm tra nhanh như vậy và trọng tài ra 1 quyết định cực kỳ quan trọng cũng nhanh không kém, thậm chí không cần ra đường biên xem lại video. Tuy nhiên sau đó, họ đều đã hiểu đó là sự tiên tiến của công nghệ bắt việt vị bán tự động. Công nghệ xác định cầu thủ Ecuador mắc lỗi việt vị trước khi bóng đến chân cầu thủ ghi bàn.
Tình huống công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) từ chối bàn thắng của Ecuador.
Cụ thể, sẽ có 12 camera gắn bên dưới mái che sân vận động để theo dõi chuyển động của quả bóng Al Rihla và 29 điểm dữ liệu của từng cầu thủ trên sân. Tốc độ phân tích đạt 50 lần mỗi giây, giúp tính toán vị trí chính xác của toàn bộ 22 cầu thủ. Bên trong quả bóng Al Rihla cũng gắn 1 cảm biến truyền dữ liệu đến phòng điều hành video với tốc độ 500 lần mỗi giây. Công nghệ việt vị bán tự động sẽ cảnh báo cho VAR, mỗi khi một cầu thủ rơi vào thế việt vị nhận bóng.
Khác biệt chủ yếu so với phương pháp VAR là SAOT cho ra kết quả rất nhanh. Theo FIFA, nếu như thời gian trung bình để xử lý một tình huống việt vị theo phương pháp VAR là 70 giây thì bây giờ chỉ còn 25 giây khi có thêm sự trợ giúp của SAOT.
Cùng với đó, trái bóng của World Cup 2022, có tên Al Rihla do Adidas sản xuất, cũng được trang bị cảm biến đo lường quán tính (IMU), có chức năng gửi dữ liệu về phòng điều hành video 500 lần mỗi giây.
Bằng cách đồng bộ dữ liệu theo dõi chân tay và quả bóng, kết hợp trí tuệ nhân tạo, công nghệ bắt việt vị bán tự động sẽ đưa ra cảnh báo về tình huống. Các trọng tài giám sát video sẽ kiểm tra thủ công điểm phát bóng với đường việt vị được tạo tự động, trước khi thông báo tới trọng tài đang điều khiển trận đấu trên sân.
Sau khi quyết định được xác nhận bởi trọng tài trên sân, các điểm dữ liệu vị trí được chuyển thành hình ảnh 3D mô phỏng vị trí chân, tay của các cầu thủ tại thời điểm đó. Hình ảnh 3D hiển thị góc nhìn tốt nhất cho thấy 1 tình huống việt vị, được chiếu trên màn hình khổng lồ tại sân và cung cấp cho các đối tác phát sóng của FIFA.
Uyên Thư (T/h)