Giảm công tác nước ngoài, tăng họp trực tuyến để tránh lây nhiễm Covid-19
Hạn chế thậm chí hoãn các chuyến công tác nước ngoài, hoãn các cuộc hội họp đông người và tăng cường các cuộc họp trực tuyến. Đó là những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và chúng ta đang căng mình để đối phó với những ca nhiễm virus Sars-CoV-2 mới.
Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” thì mọi ưu tiên lúc này, không có gì quan trọng hơn là kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho dân. Nhưng ngay cả khi dịch đã lắng xuống và mọi việc trở lại bình thường thì yêu cầu trên của Thủ tướng cũng rất có lợi “cho dân, cho nước”.
Nếu các chuyến công tác nước ngoài của cán bộ mà thật sự cần thiết, thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực khi đất nước mở cửa và hội nhập thì chúng ta phải khuyến khích, chúng ta không tiếc tiền. Nhưng chưa có một đánh giá nào chính xác rằng, bao nhiêu phần trăm các chuyến công cán nước ngoài đưa lại hiệu quả như ý muốn và bao nhiêu trong số đó, ra nước ngoài chỉ với mục đích tham quan, du lịch, nhất là những cán bộ sắp nghỉ hưu.
VOV cho biết, dưới danh nghĩa “khảo sát, học tập kinh nghiệm”, không ít bộ-ngành-địa phương đã hào phóng chi ra cả trăm triệu, thậm chí nhiều hơn để tổ chức các đoàn ra nước ngoài, bao vé máy bay quốc tế, ăn ở, tiền tiêu vặt, thuê phương tiện di chuyển, điện thoại… trong thời gian ở nước ngoài. Không phải dân không có lý khi than rằng, có những cán bộ “đi nước ngoài như đi chợ”, có cán bộ một phần ba thời gian trong năm là ở nước ngoài, thậm chí, có người ra nước ngoài chỉ với mục đích….chơi golf.
Tiết kiệm ngân sách mà hiệu quả công việc không vì thế mà kém hơn, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ.
Vậy nên, không cứ mùa dịch, chúng ta cần tiếp tục việc quản lý, siết chặt các chuyến công tác nước ngoài. Không thể có chuyện du di, nể nang, giải quyết đi nước ngoài như một ân huệ bởi cơ chế- xin cho. Chỉ giải quyết đúng người, đúng việc và đúng mục tiêu. Cứ làm thế đi cho dân nhờ.
Song song với việc quản lý ngân sách cho các chuyến công tác nước ngoài, việc đẩy mạnh triển khai các cuộc họp trực tuyến cũng rất đáng được khuyến khích sau khi dịch bệnh lắng xuống. Chúng ta triển khai Chính phủ điện tử để làm gì? Thời đại 4.0 để làm gì khi hễ có hội nghị, hội thảo lại tái diễn cảnh từng đoàn, từng đoàn đại biểu ở khắp các tỉnh, thành lại tề tựu ở thủ đô hoặc một địa điểm nào đó, tốn quá nhiều chi phí cho ăn, ở, đi lại. Thậm chí, có cán bộ ở địa phương nọ, sau khi 4 người bay từ một tỉnh phía Nam ra Hà Nội họp. Ra đến nơi, hoãn họp, họ lại bay ngược trở lại.
Hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại, tốc độ kết nối của chúng ta không kém gì thế giới, chúng ta cứ nhắc đến Cách mạng công nghiệp 4.0 như một cụm từ “nói cho sang” và triển khai ở đâu đó, không liên quan gì đến mình. Nếu Trung ương làm được thì địa phương cũng phải noi theo. Ngay cả cán bộ xã cũng không nhất thiết phải lên huyện để họp. Các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể cũng không tốn quá nhiều người, tốn quá nhiều thời gian chỉ để đi…họp. Cứ thế, dần dà sẽ thành thói quen: Một thói quen tốt.
Tiết kiệm kinh phí cho công tác nước ngoài, tiết kiệm kinh phí cho hội họp và còn rất nhiều khoản khác có thể cắt giảm được nữa. Chính mùa dịch này cũng là phép thử để chúng ta mạnh dạn nói không với lãng phí. Tiết kiệm ngân sách mà hiệu quả công việc không vì thế mà kém hơn, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ. Vậy nên, tại sao chúng ta không tiếp tục duy trì?.
Thùy Chi