Gian nan cuộc chiến chống video với nội dung nhảm nhí, xấu độc
Theo số liệu từ Google, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về doanh thu từ các video xấu độc. Cứ 10 đồng kiếm được từ các video sai phạm, độc hại thì gần 6 đồng đến từ Việt Nam. Nhiều năm nay, cơ quan quản lý Nhà nước đã chật vật tìm cách xử lý các nội dung này nhưng cuộc chiến không thể đạt kết quả nếu chính các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đứng ngoài cuộc.
Tăng cường quản lý nội dung trên mạng xã hội
Mới đây, 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... vừa bị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hợp tác giữa các nền tảng xuyên biên giới với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung trên mạng xã hội.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, hiện có khoảng 15.000 kênh YouTube được bật nút kiếm tiền, trong đó khoảng 350 kênh thực sự kiếm tiền có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên. Nhiều kênh dành cho trẻ em có hình ảnh dung tục, phản cảm …Chỉ tính riêng kênh "Hành tinh đồ chơi" đã có tới gần 5 triệu lượt đăng ký.
Hiện tại, các kênh YouTube có nội dung phản cảm thường là kênh cá nhân, hoạt động độc lập. Trong số 15.000 kênh kiếm tiền, chỉ có khoảng 30% tức là khoảng 5.000 kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Google xem xét, yêu cầu các kênh YouTube bật nút kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các công ty này để đảm bảo việc quản lý.
Mạnh tay xử lý các kênh phát tán video với nội dung nhảm nhí, xấu độc
Các nền tảng xuyên biên giới như Amazon, Google, Facebook đều là những "đế chế" hùng mạnh. Khi họ mạnh thì thường tự cho mình quyền áp đặt các luật chơi riêng trên sân chơi toàn cầu. Do đó, không chỉ Việt nam mà hầu hết các quốc gia khác đều phải ở vị thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh với các nền tảng này để có thể bảo vệ an ninh mạng tại quốc gia của mình.
Tại Việt Nam, có một vài con số thống kê đáng chú ý. Đối với Facebook, từ 2017 đến 2020, số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc đã tăng 30 lần, số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lỷ Nhà nước 10% lên 90%.
Trong hai năm 2018 - 2019, Google đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ bỏ khoảng 8.000 video,19 kênh nội dung xấu độc. Riêng trong quý II/2020 đã có tới hơn 220.000 video bị gỡ bỏ. So với năm 2017, số video xấu độc được gỡ bỏ năm nay tăng 8 lần, đạt tỷ lệ khoảng 90 - 95% so với yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguy hiểm khôn lường từ những video không được kiểm soát trên mạng xã hội
Dù các nội dung xấu độc chỉ chiếm 0,1% số lượng video trên YouTube nhưng những nội dung này lan rộng rất nhanh và gây tác động lớn. Trong hàng trăm triệu USD doanh thu từ Google tại Việt Nam, hơn một nửa đến từ các clip xấu độc. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế còn là những con số có thể đong đếm, còn thiệt hại về tinh thần mới là nguy hiểm khó lường. Nhiều vụ án thương tâm, thậm chí là những cái chết oan của các em nhỏ là bằng chứng không thể chối cãi cho mối nguy này.
Chỉ vì bắt chước theo video trên YouTube, một bé trai tại Phú Thọ đã nuốt chửng bấm móng tay vào bụng. Do làm theo video dạy nhào lộn trên mạng, một bé trai 10 tuổi đã bị chấn thương cổ. Học cách chế tạo pháo trên YouTube, một nam sinh lớp 7 bị nổ bỏng mặt.
Ngày càng nhiều những vụ việc, những tai nạn do trẻ nhỏ không hiểu biết, học theo các video không được kiểm soát trên mạng xã hội gây ra. Thậm chí, có cả những người lớn thiếu hiểu biết, mù quáng cũng học theo mạng xã hội.
Nhẹ thì bỏng ống tai, xước dạ dày, nặng hơn thì chấn thương cổ, bỏng mặt, gãy chân tay. Và đau đớn nhất là những trường hợp thiệt mạng vì học theo mạng xã hội. Gần đây, công an tỉnh Đồng Nai cho biết, một bé trai 8 tuổi ở Trảng Bom đã tử vong do ngạt khí, nghi do thực hiện theo một thử thách của trò Momo.
Trước đó, một cháu bé 5 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Dì của cháu viết trên mạng xã hội rằng, cháu nghịch dại theo mấy trò trên mạng xã hội mà dẫn tới hậu quả quá nặng nề.
Có thể thấy, việc tạo ra các công cụ giám sát, các bộ lọc hiệu quả, tạo ra các mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn người dùng… sẽ không chỉ là thành tựu công nghệ mà còn là công cụ góp phần bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên số này.
Theo VTV