Giảng viên nghiên cứu khoa học khó trăm đường!

10:56, 15/09/2023

Khó khăn lớn nhất với nhiều nhà khoa học là giấy tờ, thủ tục...

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMIU

“Khó khăn lớn nhất với nhiều nhà khoa học là giấy tờ, thủ tục. Có đề tài nghiên cứu khoa học, mỗi năm phải làm 20 báo cáo khoa học, sau đó không biết sử dụng làm gì. Trong khi đó, kết quả cuối cùng mới là quan trọng” – PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết.

Gian nan chuyển giao công nghệ

Chia sẻ tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM mới đây (ngày 6/9), ý kiến của PGS.TS Nguyễn Phương Thảo được giới nghiên cứu khoa học quan tâm bàn luận. Theo đó, việc “cực kỳ khó khăn” với nhà khoa học khi triển khai các dự án là thủ tục tài chính.

Theo Luật Viên chức, giảng viên không được thành lập doanh nghiệp, do đó không có một đơn vị để chuyển giao thành quả nghiên cứu. PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cho rằng, nếu giảng viên ở trường đại học có thể thành lập các công ty spin-off (công ty công nghệ ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học), bài toán chuyển giao công nghệ sẽ được giải quyết.

Có những giai đoạn mọi việc đình trệ, như những năm ảnh hưởng vì Covid-19, các thủ tục tài chính cho nghiên cứu khoa học lòng vòng như câu chuyện “con gà, quả trứng”.

Có lần nhóm nghiên cứu xin được tài trợ từ doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp yêu cầu định kỳ 3 tháng báo cáo kết quả một lần nhưng với thủ tục hành chính theo quy định hiện nay, điều này khó khả thi. Do đó, doanh nghiệp nản, không muốn hợp tác.

Khi nghiên cứu khoa học đạt thành quả, nhà khoa học tiếp tục vướng ở khâu chuyển giao công nghệ. PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cho biết, tháng trước, nhóm nghiên cứu của bà lọt vào vòng cuối chuyển giao công nghệ cho đối tác ở Ả-rập Xê-út. Đối tác tại đây đánh giá cao nhóm nghiên cứu về mặt kinh nghiệm, chuyên môn nhưng nhóm lại không có cơ chế để vận hành lab (phòng thí nghiệm) cho phía đối tác.

GS.TS Phan Bách Thắng, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử lại nêu khó khăn về thời gian triển khai nghiên cứu khoa học. Theo đó, các dự án nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện đa phần có thời gian 2 - 4 năm, ở các Đại học Quốc gia có thể kéo dài đến 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phải trải qua 3 bước: Công bố khoa học quốc tế, sáng chế khoa học và tạo sản phẩm ứng dụng. Các bước này đều tốn nhiều thời gian mới mang lại kết quả tốt.

Thống kê năm 2022 cho thấy, trong số hơn 18 nghìn bài công bố khoa học trên cả nước, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đóng góp 4 nghìn bài. Riêng ĐH Quốc gia TPHCM có khoảng 2.500 bài. Điều này cho thấy tỉ trọng, vai trò rất lớn của cộng đồng nhà khoa học ở các trường đại học đóng góp vào nền khoa học công nghệ nước nhà. GS.TS Phan Bách Thắng đề xuất cần có những chương trình nghiên cứu dài hơi 5 - 10 năm, đặt ra mục tiêu cao để các nhà khoa học có lộ trình và thực hiện.

Một Phó Giáo sư ngành kỹ thuật thuộc một trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM (xin được giấu tên) cũng chia sẻ những rào cản trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được các chuyên gia nhắc ở trên.

Phó Giáo sư này bổ sung thêm, thủ tục đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học hiện rất rắc rối. Nhà khoa học phải viết thuyết minh dài, nhiều mục yêu cầu chi tiết. “Những yêu cầu này tựa hồ như phải làm rồi mới rõ như vậy. Nghiên cứu như vậy rất gò bó, nhà khoa học khó sáng tạo, sản phẩm nghiệm thu nặng tính thành tích”, nhà khoa học này cho biết.

Vị chuyên gia này cũng nêu những hạn chế trong hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như khâu định giá sản phẩm công nghệ muốn chuyển giao chưa có cơ chế rõ ràng. Hoặc trong quy định phân chia lợi nhuận giữa các bên chưa thống nhất, đặc biệt khi kết quả nghiên cứu khoa học cần phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ảnh minh họa ITN. ảnh 1

Ảnh minh họa ITN.

Gỡ vướng cho nhà khoa học

Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải đáp những vướng mắc của các nhà khoa học.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, thủ tục đấu thầu, quyết toán, nghiệm thu là những vấn đề lớn trong quản lý khoa học công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học & Công nghệ, các bộ ngành nghiên cứu, tập trung tháo gỡ những khó khăn; kiến nghị, sửa đổi những cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp với 2 viện hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam - PV), báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề trong quản lý nghiên cứu khoa học công nghệ.

Trong đó, xác định 13 vấn đề cần giải quyết, chia theo nhóm vấn đề: Cấp độ 1 là những vấn đề theo cấp độ của ngành, bộ; cấp độ 2 là vướng mắc ở các Nghị định, Thông tư, sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi; cấp độ 3, liên quan đến Luật. Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ lấy ý kiến các đơn vị khác để tìm giải pháp, tháo gỡ vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cũng nói về các dự án nghiên cứu khoa học chỉ 1 - 2 năm đã hết thời hạn, hết kinh phí. Theo đó, Bộ Khoa học & Công nghệ đang nghiên cứu đưa vào Thông tư các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia cần thời gian dài hơi hơn. Về nhóm nghiên cứu mạnh, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ về hoạt động nghiên cứu mạnh, trong đó có khái niệm về nhóm nghiên cứu mạnh.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang lại doanh thu lớn cho nhiều trường. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, giai đoạn 2012 - 2022, trường đã thực hiện hơn 5.600 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tổng kinh phí chuyển giao đạt hơn 1.400 tỉ đồng, trung bình hơn 100 tỉ đồng mỗi năm.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/giang-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-kho-tram-duong-post653954.html)