Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chiếm đến 46%
Ngày 22-4, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác tham mưu cho Thành uỷ Hà Nội
- Trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 vinh danh các nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu xuất sắc
- Nghiên cứu học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Quảng Ngãi và ĐHQG Hà Nội ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4. Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lấy chủ đề “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm tôn vinh vai trò và những đóng góp của giới nữ cho đổi mới, sáng tạo.
Tại toạ đàm, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan (nhà sáng chế với nhiều sản phẩm bảo vệ, chăm sóc người bị bệnh cột sống; là người sở hữu 252 bằng sáng chế độc quyền tại Việt Nam và 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với thương hiệu Ghế Dr.Loan) chia sẻ: "Tôi tâm đắc một tổng kết rằng 99% yếu tố thành công của các sáng chế, sáng tạo là sự nỗ lực không ngừng; 1% còn lại là ý tưởng”.
Tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, ở thời đại internet vạn vật (Internet of Things) một ý tưởng hay, một kết quả sáng tạo độc đáo của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đều có thể nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường nhờ những biện pháp tiếp thị điện tử (e-marketing) trên mạng xã hội, internet. Luật pháp về sở hữu trí tuệ đóng vai trò bảo hộ các ý tưởng cho cá nhân, doanh nghiệp dưới nhiều góc độ như: Nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; giống cây trồng; quyền tác giả, quyền liên quan…
Ông Nguyễn Văn Viễn cho rằng, với bất kỳ quốc gia nào, tài sản lớn nhất của đất nước là con người, sự sáng tạo cá nhân, kỹ năng và tài năng của người dân đất nước đó. Cho nên, sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đã trở thành đề tài mang tính thời sự và sống còn đối với doanh nghiệp và quốc gia.
Bà Trần Thị Triệu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Hải Yến (nhà sáng chế độc quyền 2 giải pháp tổ yến thực dưỡng dùng ngay) cho biết, chị tâm đắc khẩu hiệu “Ở đâu có tình yêu lao động, ở đó có sáng tạo”. Nếu chúng ta đam mê, miệt mài làm việc, sẽ xuất hiện những ý tưởng, sáng tạo mới. Chị khuyến khích mỗi người ghi lại ý tưởng, khi có thời gian nghiền ngẫm, suy nghĩ kỹ càng hơn, chúng ta sẽ lựa chọn đúng và phát triển ý tưởng đó thành sản phẩm sáng tạo cụ thể. "Hãy kiên trì, quyết tâm!”, chị nói.
Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương (người viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam) tâm sự, niềm vui Ngày Thống nhất 30-4 đã khiến bà từ một diễn viên có thêm cảm hứng trở thành tác giả sáng tác kịch bản kịch nói. Sau ngày 30-4-1975, kịch nói miền Bắc tạo nên làn sóng mới cho sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, nơi công chúng vốn chỉ biết nhiều đến cải lương. Ngôn ngữ kịch nói có hấp dẫn riêng, bởi thông điệp của nó nhanh chóng, trực tiếp đến với người xem.
“Tôi đã kết nối các yếu tố này với tính cách của người miền Nam, đó là: Chuyện gắn với đời; lời thoại gắn với thực tế; câu chuyện thức tỉnh tình cảm, cảm xúc của người xem, từ đó sẽ đưa thông điệp sống tốt đẹp hơn tới suy nghĩ của mỗi người để có lựa chọn đúng khi hành động”, Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương nói.
Kết thúc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Huệ khẳng định sự đóng góp của những gương phụ nữ nỗ lực sáng chế, sáng tạo tham gia toạ đàm nói riêng và hàng nghìn gương phụ nữ tiêu biểu khác của thành phố. Sự thành công, những kinh nghiệm của họ là sự khích lệ cho phụ nữ thành phố tiếp tục vươn lên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Còn bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: “Mọi ý tưởng, nỗ lực sáng chế đều đáng trân trọng và cần được bảo vệ. Chúng ta cùng chung tay quảng bá và áp dụng công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ sở hữu trí tuệ để các thành quả của đổi mới sáng tạo được sử dụng ngày càng hữu ích hơn cho tất cả mọi người”.
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Theo Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chiếm đến 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước và nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn và tự giải quyết nhiều thách thức xã hội….
Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả đã khai mạc Triển lãm với chủ đề “Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn” nhằm ghi nhận các sáng tạo, các thành tựu của phụ nữ phía Nam trong hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra tài sản sở hữu trí tuệ.
Uyên Thư (T/h)