GITEX mở rộng đến Việt Nam, góp phần khơi dậy tiềm năng kinh tế số

14:19, 02/05/2025

Theo dự kiến từ ngày 1 - 2/10/2026 tại Hà Nội, GITEX sẽ tổ chức mở rộng toàn cầu thuộc khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Quốc gia của Việt Nam, hướng đến mục tiêu việc thúc đẩy hệ sinh thái quốc gia đạt mục tiêu có nền kinh tế số trị giá 200 tỷ USD vào năm 2030.

GITEX - thương hiệu triển lãm công nghệ lớn vừa thông báo sẽ mở rộng sang thị trường Việt Nam, hứa hẹn đưa hệ sinh thái công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam bước vào kỷ nguyên hợp tác và đổi mới toàn cầu mới đầy sôi động.

Cụ thể, GITEX sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận đối với các thị trường tiềm năng có giá trị thương hiệu triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới để thúc đẩy các hợp tác, đối tác của Việt Nam mở rộng ra cộng đồng toàn cầu, thế giới, mở ra những cơ hội đầu tư chuyển đổi số (CĐS), đa dạng hệ sinh thái công nghệ Việt Nam (kinh tế khởi nghiệp; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp 5.0; sản xuất tiên tiến; trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), DevOps, an ninh mạng; phát triển nhân tài…).

Chia sẻ về các kế hoạch phát triển, bà Trixie LohMirmand, Phó Chủ tịch điều hành DWTC và CEO KAOUN International, cho biết, GITEX VIETNAM sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình CĐS của Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á.

Cũng theo bà Trixie LohMirmand, thông qua sự kiện sẽ góp phần nêu bật và nâng tầm giá trị của những thành tựu, chính sách tiến bộ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đang phát triển và khát vọng ngày càng lớn mạnh của một nền kinh tế Việt Nam đến với thế giới.

GITEX sẽ đưa các công nghệ của Việt Nam mở rộng ra cộng đồng toàn cầu, thế giới.

“GITEX VIETNAM sẽ mở ra làn sóng hợp tác kinh doanh mới giữa các chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu, đưa các hệ sinh thái năng động và đầy động lực trong khu vực, vốn chưa được thế giới biết đến một cách toàn diện lên bản đồ công nghệ quốc tế”, bà Trixie LohMirmand nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Kim Ngọc Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), chia sẻ, việc GITEX đến Việt Nam là một bước ngoặt cho hệ sinh thái công nghệ, đổi mới và đầu tư số của đất nước, và là một khoảnh khắc định hình cho khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, GITEX vào Việt Nam chắc chắn sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở cấp độ địa phương, khu vực và quốc tế.

“Chúng tôi rất hào hứng với triển vọng tổ chức các cuộc đối thoại có ý nghĩa, xây dựng các quan hệ hợp tác mới, giới thiệu cơ hội đồng đầu tư và mở rộng hiểu biết về các công nghệ mới cùng các đối tác toàn cầu. GITEX VIETNAM sẽ trở thành nền tảng hàng đầu để cộng đồng công nghệ, startup và đầu tư kết nối, chia sẻ và cùng định hình tương lai của nền kinh tế ứng dụng AI”, bà Kim Ngọc Thanh Nga nhấn mạnh.

Có thể nói, Việt Nam đã và đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ tại Đông Nam Á, khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ năng động của khu vực và là đầu mối then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam xếp thứ hai và thứ năm toàn cầu về xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn đã vượt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024 (theo SEMI). Ngành sản xuất và xây dựng tiếp tục dẫn đầu phát triển kinh tế quốc gia, với 17,4 triệu lao động và chiếm 33,4% tổng việc làm toàn quốc (theo GSO).

Ngoài ra, Chiến lược Quốc gia về Phát triển Kinh tế số và Xã hội số của Việt Nam hướng tới mục tiêu đưa đất nước trở thành trung tâm CNTT và an ninh mạng của khu vực vào năm 2030. Việt Nam đang tích cực ưu tiên phát triển hạ tầng AI, an ninh mạng, internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu xanh, khu công nghệ thông tin chuyên biệt…

Như vậy, với thế mạnh công nghệ đang có cũng những nỗ lực tích cực hiện nay, việc GITEX mở rộng hướng đi hợp tác phát triển đến thị trường Việt Nam chính là sự đúng đắn mở ra nhiều cơ hội phát triển số bền vững. Quan trọng hơn sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam bước vào kỷ nguyên hợp tác số toàn diện, tiến xa, bền vững./.