Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao

14:16, 23/04/2025

Ngày 23/4, Diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” đã diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, với mục tiêu kiến tạo một mô hình kinh tế số mang tính địa phương hóa nhưng gắn kết chặt chẽ với các mạng lưới chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển dịch sang mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), tỉnh Vĩnh Phúc - một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của miền Bắc - đã tiên phong tổ chức Diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao”.

z6532795450540_340df83bc6498f5c52fab2a53fbb1505.jpgDiễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” diễn ra tại Vĩnh Phúc sáng 23/4.

Sự kiện do UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC - thuộc Bộ Tài chính), Tập đoàn Dassault Systèmes (Pháp) tổ chức, cùng sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn NTT Nhật Bản, CTCP Công nghệ Chế tạo Kami và các đối tác quốc tế khác.

Diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) toàn diện tại Vĩnh Phúc, khai thác tiềm năng của chuỗi cung ứng công nghệ cao như một đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế số một cách bền vững, sáng tạo. Đây là một bước đi thiết thực và cụ thể nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, về đột phá phát triển khoa học công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, Diễn đàn tạo ra không gian kết nối giữa lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia và nhà đầu tư để cùng trao đổi về định hướng phát triển kinh tế số. CĐS không chỉ dừng lại ở công nghệ, mà là sự thay đổi toàn diện trong tư duy phát triển và vận hành.

Diễn đàn được tổ chức với các mục tiêu: (1) Thảo luận về các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu dùng thông minh; (2) Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái kinh tế số; (3) Tạo điều kiện để các startup công nghệ tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và quốc tế; (4) Kết nối giữa DN công nghệ và chính quyền địa phương nhằm cùng phát triển mô hình kinh tế số phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Tầm nhìn chiến lược của Vĩnh Phúc trong ĐMST, CĐS

Khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động số 85-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình chuyển đổi số, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến và hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế tri thức.

z6532795404259_919ef131b4982dd5ed3a976f8201bfa9.jpgÔng Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương năng động, sáng tạo, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Với vị trí chiến lược – nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp Hà Nội, có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ; Với hệ sinh thái công nghiệp đa dạng – là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Toyota, Honda, Piaggio, Compal,…

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức toàn diện về vai trò của kinh tế số và chuỗi cung ứng công nghệ cao, mà còn tạo động lực xây dựng hệ sinh thái số tại địa phương, giúp Vĩnh Phúc tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự kiện sẽ tạo động lực mạnh mẽ để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển thành địa phương đi đầu trong lĩnh vực ĐMST, CĐS, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Từ nền sản xuất truyền thống đến công nghiệp số hóa và đô thị thông minh

CĐS trong lĩnh vực sản xuất được xem là bước đi chiến lược giúp các DN địa phương tăng tốc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Tại Diễn đàn, các giải pháp của Dassault Systèmes như DELMIA hay ENOVIA, tích hợp các công nghệ AI, ML, IoT, cho phép mô phỏng, lập kế hoạch và tối ưu toàn bộ quy trình từ nhà máy đến thị trường, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng mở rộng và quan hệ khách hàng... đã được trình bày.

Ông Ding Ming Chee, Tổng Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Nam Á - Thái Bình Dương của Dassault Systèmes, mang đến một góc nhìn sâu sắc về cách nền tảng số có thể biến đổi chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam thành đòn bẩy chiến lược cho phát triển công nghiệp quốc gia.

“Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất. Dassault Systèmes cam kết đồng hành để cùng các địa phương như Vĩnh Phúc xây dựng năng lực nội tại mạnh mẽ, phát triển nền công nghiệp tích hợp số hóa, bền vững và kết nối với mạng lưới toàn cầu thông qua công nghệ bản sao số (Virtual Twin)”.

Bên cạnh đó, ông Watanabe Akira, Tổng Giám đốc NTT e-MOI, cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Hệ thống thực thi sản xuất (MES) và Internet vạn vật (IoT) trong công tác quản trị nhà máy hiện đại.

“Trong hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ, tôi nhận thấy rằng việc tích hợp phần mềm MES và công nghệ IoT là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà máy và chuỗi cung ứng. MES cung cấp khả năng giám sát và kiểm soát thời gian thực các quy trình sản xuất, trong khi IoT thu thập dữ liệu từ các thiết bị và cảm biến, tạo nên một hệ thống thông minh và linh hoạt. Chúng tôi đã triển khai thành công các giải pháp này tại nhiều nhà máy ở Việt Nam, và cam kết tiếp tục đồng hành cùng các DN địa phương để tạo nên một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, hiệu quả và bền vững”, ông Watanabe Akira cho biết.

Trong tương lai gần, khi các trung tâm sản xuất của Việt Nam ngày càng phải đối mặt với các thách thức về quỹ đất, chi phí năng lượng, nhân lực và tiêu chuẩn môi trường, việc quản lý toàn diện - số hóa chuỗi giá trị vùng - sẽ là chìa khóa giúp các địa phương không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng, mà còn nâng tầm chất lượng phát triển theo hướng thông minh, xanh và bền vững.

z6532844031864_9a87508d557ab966de5f888a132181dd.jpg

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dassault Systèmes và các DN công nghệ cao tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dassault Systèmes và các DN công nghệ cao tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là hoạt động có ý nghĩa chiến lược, đặt nền móng cho quá trình hợp tác cụ thể, lâu dài về pháp lý, kỹ thuật và các hoạt động phát triển kinh tế số địa phương gắn với chuỗi cung ứng công nghệ cao.