Google "khai tử" Google Labs và có thể bỏ rơi 9 dự án

09:41, 27/07/2011

Google Labs- “Phòng thí nghiệm của Google” đã ngừng hoạt động, thông tin này đã được giám đốc điều hành Google công bố chính thức trên blog của công ty. Nhiệm vụ của Google Labs là đánh giá, thử nghiệm các dự án mới và bổ sung những tính năng cho những dịch vụ hiện có của Google như Gmail, Google Calendar, Google Map, Google Wave,…Giải thích cho quyết định khai tử Google Labs, Google cho biết hãng muốn tập trung nhiều hơn cho các sản phẩm đã hoàn thành và sẳn sàng phát hành ra công chúng. Với chính sách này sẽ khuyến khích được nhân viên dành 20% thời gian làm việc của họ vào các dự án, sản phẩm đang chiếm ưu thế. Google khẳng định rằng, sự kết thúc Google Labs không có nghĩa là kết thúc sự đổi mới của Google.

            Đi cùng với quyết định đóng cửa Google Labs, Google cũng cho biết sẽ tạm dừng một số dự án hoạt động kém hiệu quả để thực hiện nổ lực đơn giản hóa và tinh giản các dòng sản phẩm, dịch vụ. Nhưng Google chưa công bố về số lượng và tên dự án bị tinh giản. Hiện tại, trên website Google Labs có hơn 50 dự án, có thể một vài dự án nào đó trong số hơn 50 dự án này bị tạm dừng nhưng một điều chắc chắn rằng các dịch vụ Google Search, Gmail, Google MapsYouTube sẽ luôn được tồn tại. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến 9 dự án có thể bị Google “bỏ rơi”.

*Google Swiffy

Google Swiffy là một dịch vụ trực tuyến giúp chuyển đổi nhanh chóng các định dạng tập tin Flash SWF sang định dạng HTML5, để giúp hiển thị tốt nội dung trên các thiết bị di động như iPhone, iPad,…Khi vào địa chỉ http://swiffy.googlelabs.com thì người dùng thực hiện chuyển đổi rất dễ dàng, chỉ cần bấm nút Browse ở mục Upload a SWF File và tìm đến tập tin swf trên máy tính. Đây là một dự án của kỹ sư Pieter Senster, được khởi động từ lúc đang còn giai đoạn thực tập. Google Swiffy hỗ trợ một tập hợp con các chương trình của SWF 8ActionScript 2.0.  Tập tin HTML5 xuất ra có thể được sử dụng trên tất cả các trình duyệt web như Google ChromeSafari Mobile.

*Google Art Project

            Đây được xem là một viện bảo tàng nghệ thuật “trên mây” của Google, bạn có thể xem những bức tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới với độ phân giải lên đến hàng chục tỉ pixel. Dự án được phát hành ra công chúng vào ngày 2 tháng 3 năm 2011, tại địa chỉ www.googleartproject.com. Kết hợp với Google Street View có thể đi tham quan 17 viện bảo tàng lớn trên thế giới qua màn hình máy tính, như Tate Britain ở Anh, The State Hermitage MuseumSt Petersburg,…Google Art Project đã dùng 20% thời gian làm việc của các nhân viên công ty Google.

*Google Body

            Dự án được phát hành vào ngày 16 tháng 12 năm 2010, tại địa chỉ http://bodybrowser.googlelabs.com/. Google Body giúp cho ngành sinh vật học có một mô hình hoàn chỉnh về cơ thể con người, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Với công cụ này, người học sẽ được tìm hiểu một cách chi tiết nhất về cơ thể con người, từ vóc váng tổng thể bên ngoài đến đến những cơ quan nội tạng bên trong., từ hệ thống xương, các nhóm cơ bắp đến hệ thống các dây thần kinh, hệ tuần hoàn máu. Google Body sử dụng công nghệ HTML5 và WebGL giúp tối ưu hiển thị các nội dung 3D trên trình duyệt. Tại Google Labs đã xuất hiện nhiều yêu cầu “đừng đóng cửa Google Body” (Please do not shut down Google Body).

*Google App Inventor

            Đây là công cụ cho phép người dùng tạo ứng dụng cho điện thoại chạy Android, được phát hành trên Google Labs vào ngày 15 tháng 12 năm 2010, tại địa chỉ: http://appinventor.googlelabs.com. Theo Google, người dùng App Inventor không cần phải là một lập trình viên, tức là App Inventor không đòi hỏi bất kì kiến thức gì liên quan đến lập trình.

*Google Transliteration

            Dự án được phát hành vào ngày 27 tháng 10 năm 2010, tại địa chỉ http://www.google.com/transliterate/. Đây là công cụ chuyển ngữ trực tuyến, bạn chỉ cần gõ một từ phát âm tiếng Anh, Google Transliteration sẽ tự chuyển đổi sang ngôn ngữ của địa phương. Hiện tại Google Transliteration hỗ trợ 24 ngôn ngữ: Amharic, tiếng Ả Rập, Bengali, tiếng Trung, tiếng Hy Lạp, Gujarati, tiếng Do Thái, Hindi, tiếng Nhật, Kannada, Malayalam, Marathi, Nepali, Oriya, Persian, Punjabi, Russian, Sanskrit, Serbian, Sinhalese, Tamil, Telugu, Tigrinya và Urdu.

*Google City Tour

            Dự án được phát hành vào ngày 12 tháng 12 năm 2009, tại địa chỉ http://citytours.googlelabs.com/. Với dịch vụ City Tour, người dùng có thể xác định được địa điểm du lịch ở các thành phố lớn cho chuyến hành trình của mình. Để lập kế hoạch cho chuyến du lịch của mình, bạn chỉ cần nhập tên thành phố mà bạn muốn đến thì ngay lập tức City Tour sẽ vạch ra một bản đồ và định hướng hoạt động cho chuyến đi, nó ước tính thời gian của cả hành trình, thời gian hoạt động ở từng vùng miền và đề nghị bạn đến những địa điểm cần thiết.

*Google Goggles

            Đây là một công cụ giúp cho người dùng điện thoại di động “tìm kiếm trực quan” những hình ảnh mà họ đã chụp được trong cuộc sống. Dự án được công bố trên Google Labs vào ngày 7 tháng 12 năm 2009, và có thể tải Google Goggles từ Android Market. Về cách thức hoạt động của dịch vụ này là quét những thông tin về nhãn hiệu, thẻ kinh doanh, thông tin trên bao bì, văn bản,…từ đó sử dụng chúng làm từ khóa để tìm kiếm thông tin.


*Google Squared

            Dịch vụ được phát hành trên Google Labs vào ngày 3 tháng 6 năm 2009, và tại địa chỉ www.google.com/squared. Đây là một công cụ tìm kiếm theo phong cách “ô vuông” thông tin, nó lấy các sự kiện từ trang web và sắp xếp chúng theo từng mục.

*Google Mars

            Dự án được phát hành trên Google Labs vào ngày 13 tháng 3 năm 2006, và tại địa chỉ www.google.com/mars. Cũng tương tự như Google Earth nhưng đây là một dịch vụ dành cho Sao Hỏa. Google đã hợp tác với trường đại học Arizona State University’s Mars Space Flight Facility để cùng nhau chia sẻ dữ liệu về hành tinh đỏ. Google Mars là một ứng dụng thú vị, cho phép người dùng quan sát nhiều khu vực khác nhau trên Sao Hỏa.
BÙI THANH LIÊM
(Phỏng theo PCMag)
TIN LIÊN QUAN