GS Ngô Bảo Châu: Cần dấy lại phong trào học toán với học sinh
Nhiều nhà toán học hàng đầu trong nước đã cùng ngồi lại, thảo luận về những vấn đề cấp thiết trong công tác đào tạo và nghiên cứu toán học tại Việt Nam.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công lại nhiệm vụ Bộ trưởng và các Thứ trưởng
- Bộ GD-ĐT tính phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sau 2021
- Hai lần liên tục đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế được tặng Huân chương Lao động
- Sau 20 năm lại có học sinh 2 lần liên tiếp đoạt Huy chương Vàng Olympic Tin học Quốc tế
- Phụ huynh Hà Nội mất 20 tỷ đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử
- Nhiều phụ huynh, giáo viên phản đối quy định học sinh được dùng điện thoại trong giờ học
- 7 khoản tiền phụ huynh không phải nộp trong năm học 2020-2021
Viện Toán học Việt Nam vừa tổ chức cuộc tọa đàm trao đổi về việc đào tạo và nghiên cứu Toán học. Tọa đàm có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn cùng nhiều nhà toán học khác.
Sự quan tâm đến ngành Toán đang dần suy giảm
Một trong những lo ngại được GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) đặt ra là sự quan tâm của học sinh, sinh viên dành cho ngành toán hiện nay đang dần sụt giảm. Điều đó kéo theo sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực đầu vào.
Do đó, theo GS Châu, việc cần thiết lúc này là phải nhanh chóng dấy lại phong trào học toán đối với học sinh các cấp THCS, THPT.
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Ảnh: Hoàng Nam)
“Tôi có hai suy nghĩ, một là lập lại phong trào thi toán quốc tế, coi đó như lá cờ đầu để thúc đẩy phong trào thi đua học toán. Hai là cần phải xem xét lại phương pháp dạy và hướng dẫn học sinh cấp THCS, THPT mảng toán ứng dụng. Đây là 2 phần nội dung khác nhau nhưng bổ trợ cho về lâu dài”, GS Ngô Bảo Châu nói.
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Big Data (Vingroup) cũng cho rằng, có một thực tế cần nhìn nhận là hiện nay, nhiều sinh viên Việt Nam không còn thích học toán nữa. Dù rằng vẫn có những em thực sự giỏi, nhưng cuối cùng lại không lựa chọn học trong nước mà ra nước ngoài.
Để giải quyết được hiện trạng ấy, theo GS Văn, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi: “Học Toán để làm gì?”.
GS Vũ Hà Văn tại buổi tọa đàm (Ảnh: Hoàng Nam)
“Sinh viên bây giờ rất thực tế. Chi phí học tập tốn kém, do đó ra trường cần phải đi làm ngay, bởi nhiều em gia đình nghèo còn phải kiếm tiền trả nợ học phí”, GS Văn nói, đồng thời so sánh với việc tuyển sinh vào ngành y.
“Tuyển sinh ngành y không mấy khó khăn vì các em đều dễ dàng trả lời câu hỏi ‘Học để làm gì?’. Do đó, với toán cũng phải giúp các em trả lời được như thế.
Thầy cô không thể trả lời học trò rằng học toán là để làm nghiên cứu, bởi như thế quá xa vời với đại đa số sinh viên. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì không thể thu hút người học”, GS Văn nói.
Lo ngại thi toán theo hình thức trắc nghiệm
Là chủ nhiệm Khoa Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Đỗ Đức Thái lại bày tỏ sự lo ngại về chất lượng sinh viên ngành toán.
Ông Thái cho biết, những năm qua, việc tuyển sinh vào khoa Toán của trường tương đối ổn định, thậm chí điểm chuẩn vào khoa rất cao. Tuy nhiên, cũng trong 5 năm trở lại đây, chất lượng sinh viên ngành toán sụt giảm.
Cụ thể, năng lực tư duy, suy luận của người học toán và làm toán giảm rõ rệt so với trước đây. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận của sinh viên với các bài giảng cũng rất tệ.
“Khi còn học phổ thông, các em học theo kiểu mẹo mực để đối phó với việc làm bài thi trắc nghiệm. Do đó, việc dạy học bài bản, nghiêm túc theo chương trình không được như trước đây nữa, bởi “kiểu mình thi chi phối kiểu mình đào tạo”.
Học sinh giữ thói quen học ở phổ thông, đến khi vào đại học không biết ghi bài thế nào và khả năng tự học cũng sụt giảm rõ rệt”.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Thậm chí, theo GS Thái, ngay cả đối với học sinh giỏi dự thi quốc gia, quốc tế, giờ đây phong trào học cũng không được như xưa, bởi chính thầy cô đã làm đổi hướng điều đó.
“Quá trình triển khai tư tưởng không đúng dẫn tới bệnh thành tích chi phối một cách nặng nề, thậm chí làm biến dạng việc dạy toán phổ thông ở các trường chuyên hiện nay.
Các em học sinh trường chuyên không còn được đào tạo tử tế như trước kia nữa. Nếu tình trạng đó tiếp tục, tôi nghĩ việc giải tán chuyên Toán sẽ có lợi hơn là duy trì chuyên Toán. Bởi lẽ, các kỳ thi là để nhằm tạo ra khát vọng, thôi thúc sự ham học, ham hiểu biết và giúp học sinh vươn lên trong học toán chứ không phải để lấy thành tích.
GS. TSKH Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học cũng đồng tình rằng, việc luyện thi trắc nghiệm môn Toán cho học sinh phổ thông hiện nay là vô cùng tai hại.
“Tôi còn được biết, nhiều học sinh khi đi học thêm đã được yêu cầu học cách bấm máy tính thật nhanh, phán đoán phương án thật thần tốc bằng các thuật toán. Điều này thực sự rất nguy hiểm và có thể khiến trình độ học toán của học sinh đi xuống”.
TS Lê Quang Thủy, Viện trưởng Viện Toán ứng dụng và Tin học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra dẫn chứng về những bật cập trong việc thi toán bằng hình thức trắc nghiệm
“Trong bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua có 75% là kiến thức Toán với 50% trắc nghiệm và 25% tự luận. Ở bài toán tự luận, mức độ khó của đề chỉ tương đương trình độ lớp 9. Nhưng thực tế rất buồn là có những túi bài trên 50% đạt điểm 0 phần tự luận.
Do đó, theo tôi chúng ta cần phải thay đổi gốc rễ của vấn đề là bắt đầu từ cách dạy và học toán tại các trường phổ thông”, ông Thủy nói.
Theo Thúy Nga/vietnamnet.vn