Nhiều phụ huynh, giáo viên phản đối quy định học sinh được dùng điện thoại trong giờ học

11:10, 21/09/2020

Quy định mới của Bộ GD&ÐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, với sự đồng ý của giáo viên. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nói rằng, họ không tin tưởng giao điện thoại thông minh cho con.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành là học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên.

Điều chỉnh này nhằm hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm kiếm những nguồn học liệu ngay trong giờ học. Tuy nhiên, thay đổi này cũng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều

Ranh giới giữa game và tra cứu thông tin chỉ cách nhau một cú ấn nút?

“Học sinh bây giờ rất phức tạp. Có điện thoại là sử dụng mọi lúc để ‘chát chít’, quay chụp, xem ‘phim đen’. Một lớp có đông học sinh, thầy cô sẽ rất khó để kiểm soát”, anh Nguyễn Quang Cảnh, một phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ lo lắng trước quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học.

Quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: (minh họa)

Chị Đặng Diễm Linh (có con năm nay học lớp 7 ở Hà Nội) kịch liệt phản đối quy định mới với lý do ở nhà, 2 con chị đều được sử dụng thiết bị công nghệ để học tiếng Anh, tìm kiếm các nội dung học tập cần thiết và giải trí dưới sự giám sát của người lớn, nhưng nếu bố mẹ lơ là, con có thể chơi điện tử hoặc truy cập vào nội dung xấu, độc trên kênh YouTube. Chị Linh cho rằng, với quy định mới, con được toàn quyền sử dụng trong và ngoài lớp, cả thầy cô và bố mẹ khó có thể biết trẻ dùng điện thoại vào mục đích gì.

Thầy T.H.H, giáo viên một trường THPT tại Nghệ An, cũng phản đối quy định mới vì một lớp học đông học sinh, giáo viên khó có thể kiểm soát được hết. Khó mà biết ngoài giờ được phép sử dụng điện thoại thông minh, học sinh sẽ lén lút dùng smartphone cho mục đích gì. Nhiều phụ huynh, giáo viên khác cũng lo ngại, học sinh dùng điện thoại sẽ mất tập trung học tập trên lớp, thay vào đó, có thể lén lút nhắn tin, chơi điện tử, thậm chí xem phim đen…

Cần phải thích nghi

Cho rằng “đây là nhu cầu tất yếu của giáo dục”, theo anh Nguyễn Trường Vũ (Hà Nội), trong thời đại công nghệ số, việc tách rời công nghệ và giáo dục là điều không thể. Vấn đề là nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.

Việc sử dụng điện thoại di động nhằm hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm kiếm những nguồn học liệu ngay trong giờ học. Ảnh: (minh họa)

Đồng tình với quan điểm này, chị Lê Hải Anh (TP.HCM) cũng cho rằng, việc cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử để tra cứu trong giờ học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên là điều cần thiết.

“Cá nhân mình ủng hộ cách làm này. Muốn phát triển thì phải tiếp cận, thích nghi và sử dụng một cách phù hợp theo sự phát triển của xã hội. Khi sử dụng điện thoại hay máy tính, học sinh có thể tra cứu những thông tin mà thầy cô không truyền tải được hết trong giờ học. Đây cũng là cách các con mở rộng kiến thức mà trong sách vở không có”.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc sử dụng thiết bị công nghệ để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là rất tốt. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho rằng đây là bước đột phá tốt cho học sinh, giúp khơi nguồn vui cho các em. Theo ông Phú, phụ huynh lo các em mê chơi, sử dụng Internet để khám phá nhiều thứ rồi ảnh hưởng việc học, trong khi một số giáo viên lo lắng phải quản lý kỹ tiết học, xem học sinh nào dùng điện thoại khi chưa cho phép, rồi dạy cái gì để các em sử dụng smartphone. Cũng có giáo viên sợ học sinh lướt web, xem phim, chơi điện tử, chat, ghi âm, ghi hình..., thậm cho lo xảy ra tình trạng mất điện thoại. Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, nếu sử dụng smartphone một cách hợp lý, đây sẽ là một “cuốn sách điện tử” giúp thầy cô giải quyết được nhiều vấn đề mà trước đây thường phải “hẹn tiết sau thầy trả lời”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Giám đốc Cty InnEdu STEAM (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và phát triển giáo dục) cho rằng, nhà trường, thầy cô nên tìm giải pháp để khai thác và kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại, thay vì cấm. Việc cấm sẽ cản trở giáo dục thích nghi với thế giới số.

Ngọc Thanh ( T/h )