Hà Nội: Cài đặt ứng dụng giả mạo Bộ Công an, một người bị lừa 500 triệu đồng
Công an thành phố Hà Nội mới đây đã thông tin về việc một người phụ nữ bị mất 500 triệu đồng sau khi cài đặt ứng dụng (app) giả mạo Bộ Công An.
Gọi điện giả danh cơ quan Công an rồi yêu cầu người dân cài đặt phần mềm để chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan mà mắc bẫy các đối tượng.
Theo đó, mới đây, Công an quận Hà Đông đã tiếp nhận, xác minh 01 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 26/8/2024, chị L (SN 1988; HKTT: Hà Đông, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì thông báo thẻ căn cước của con gái chị bị lỗi, chưa đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư.
Đối tượng hướng dẫn chị L cài đặt phần mềm Bộ Công an “giả mạo” để chỉnh sửa. Sau khi cài đặt xong, chị L phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 500 triệu đồng. Biết mình bị lừa, chị L đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tội phạm lừa đảo trực tuyến đang diễn biến ngày càng phức tạp
Theo thống kê của Bộ Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong tháng 8/2024, cả nước xảy ra 815 vụ, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây nhất, lợi dụng tình hình xã hội sau bão số 3 (Yagi), nhiều đối tượng đã mạo danh các tổ chức từ thiện uy tín kêu gọi, quyên góp nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân ủng hộ đồng bào vũng bão lũ.
Các hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức gây ra làn sóng phẫn nỗ đối với nhân dân.
Trước tình hình trên, các cơ quan quản lý Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp pháp lý và kỹ thuật và thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao.
Bộ Công an cũng đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, trên không gian mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng.
Với những nỗ lực đó, từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến…
Bên cạnh những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, người dân cũng được khuyến khích tự chủ động cập nhật kiến thức về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến tinh vi và các dấu hiệu nhận biết, cũng như các biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ tài sản của chính mình.