Hà Nội đưa vào vận hành 10 tuyến xe buýt chạy bằng điện

10:12, 22/02/2021

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, dự kiến từ quý II/2021, thành phố sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến xe buýt mở mới sử dụng xe buýt điện

Xe buýt điện VinFast không phát thải, không gây tiếng ồn. Khách đi xe cũng như những người cùng tham gia giao thông sẽ không cảm thấy bị say xe hay khó chịu bởi mùi xăng dầu, tiếng ồn như xe buýt thông thường.

Cụ thể, 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện bao gồm Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park - sân bay Nội Bài.

Thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần VinBus đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe điện và cam kết đầu tư 150 - 200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đơn vị này hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh việc sản xuất xe buýt điện, VinBus đã tuyển dụng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất... để có thể vận hành ngay khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong số đó, 2 khu Depot (nơi vận hành, tác nghiệp xe buýt điện) đang được Vingroup đầu tư xây dựng tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) và Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Các Depot sẽ có chức năng văn phòng điều hành, trạm sạc năng lượng, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, điểm bán vé tháng và cung cấp dịch vụ cho hành khách...

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì thế, trên cơ sở đề án của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Sở GTVT đã đề xuất trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời Tập đoàn Vingroup - Công ty CP cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện để có thể đưa vào vận hành sớm.

Đại diện Bộ GTVT nhận định việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt ở thành phố Hà Nội đã đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Để tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện.

Minh Phương (T/h)