Hà Nội: Nghiên cứu dừng hoạt động xe máy ở các quận sau 2025
Trước kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND TP về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.
Báo cáo nêu rõ, nhìn chung, các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND đã được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và tiến độ, bước đầu phát huy hiệu quả. Việc triển khai của UBND Thảnh phố thời gian qua nghiêm túc, kịp thời và đồng bộ. Quá trình thực hiện đã hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đã đề ra trong Nghị quyết.
Cụ thể, tỷ lệ đất giành cho giao thông tăng đều hàng năm, cụ thể: Năm 2016 là 8,83%; năm 2017 là 9,08%; năm 2018 là 9,38%; năm 2019 là 9,75%; năm 2020 là 10,05% và năm 2021 ước đạt 10,21%.
Giải quyết 63 điểm ùn tắc giao thông, bình quân giải quyết 12 điểm/năm. Năm 2021, còn 31 điểm (phát sinh 7 điểm). Các điểm ùn tắc giao thông phát sinh thêm chủ yếu tập trung tại các công trường đang thi công các công trình đầu tư xây dựng, sẽ được xử lý triệt để khi công trình hoàn thành.
Từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), cụ thể: Giảm 141 vụ (11,42%), giảm 44 người chết (9,15 %), giảm 157 người bị thương (15,94 %).
Năm 2020 trên địa bàn Thành phố xảy ra: 1024 vụ, 447 người chết, 664 người bị thương; So sánh cùng kỳ: giảm 248 vụ (19, 3), giảm 61 người chết (12,01%), giảm 183 người bị thương (21,61%); 10 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Thành phố xảy ra: 658 vụ, 273 người chết, 436 người bị thương; So sánh cùng kỳ: giảm 142 vụ (17,75%), giảm 59 người chết (17,77%), giảm 103 người bị thương (19,11%).
Vận tải hành khách công cộng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện: Mạng lưới xe bus tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, góp phần kìm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng của người dân. Trong 10 tháng đầu năm 2021 đã mở mới 14 tuyến bus theo kết quả đấu thầu năm 2020, nâng tổng số tuyến bus trong toàn mạng lên 140 tuyến (trong đó: 118 tuyến bus có trợ giá, 8 tuyến bus không trợ giá, 12 tuyến bus kế cận và 2 tuyến City tour. Số lượng tuyến và số lượng xe bus được tăng theo từng năm nhằm đáp ứng nhu câu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong khi đó hệ số đi lại bình quân của người tham gia VTHKCC bằng xe bus tối đa 4.9.
Với tổng lượt xe bus hiện nay 140 tuyến tương đương 18.888 lượt xe thì năng lực cung ứng của xe bus hiện nay là 31% (chưa tính đến năng lực vận chuyển của Đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh Hà Đông đưa vào vận hành khai thác từ 6/11/2021).
Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Chưa có lộ trình di dời các cơ quan trung ương trong nội thành. Một số nhiệm vụ liên quan đến những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến thói quen sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong, ngoài Thành phố và các nhóm lợi ích trong xã hội...
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo hướng gắn quy hoạch phát triển đô thị với việc phát triển hạ tầng giao thông và ưu tiên hạ tầng giao thông đi trước một bước. Xác định công trình trọng điểm, ưu tiên những danh mục dự án phục vụ kết nối giao thông giải quyết ùn, tắc giao thông, các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện cá nhân.
Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thông vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30% - 35%; mở mới 50 tuyến bus giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục hoàn thiện xây dựng đề án mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus giai đoạn từ năm 2021 tầm nhìn đến năm 2030 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng và chuẩn bị các điều kiện thực hiện dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030.
Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến đường sắt đô thị, rà soát đánh giá tổng thể về quá trình phát triển của đường sắt đô thị trong thời gian tới; thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư để phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất chủ trương xây dựng Nghị quyết chuyên đề để phát triển hệ thống đường sắt đô thị để nâng cao năng lực vận chuyển của vận tải hành khách khối lượng lớn để từng bước giảm dần sử dụng phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải nhằm hiện đại hóa, tiễn tới công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường"
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm Thành phố đối với 2 nội dung:
+ Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường"; xây dựng Đề án thu phí trình cấp, có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo điều kiện để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp; xin ý kiến của các cấp các ngành, các nhà khoa học để tổ chức triển khai thực hiện.
+ Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiễn tới đừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030".
Liên quan đề án này, ngày 20/5/2019, UBND Thành phố có văn bản số 2116/UBND-ĐT chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án.
Ngày 15/6/2021, Sở GTVT có Thông báo số 964/TB-SGTVT về kết luận của Giám đốc Sở tại cuộc họp tập thể Ban Giám đốc nghe báo cáo về 2 nội dung. Trong đó kết luận về việc nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm Thành phố. Sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực nam Sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực bắc Sông Hồng.
Ngày 15/10/2021, Trung tâm QLGTCC có Văn bản số 2076/BC-TTGTCC báo cáo Sở GTVT về Kết quả thực hiện xây dựng Đề án.
Minh Hằng (T/h)