Hà Nội tập trung hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số
Hà Nội đang tích cực để hết năm 2025 hoàn thành 15 mục tiêu chuyển đổi số theo Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành một thành phố thông minh được xây dựng trên ba trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Doanh nghiệp Thủ đô tích cực chuyển đổi số - Ảnh: VGP
Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu chuyển đổi số
Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, đề ra 15 mục tiêu cần hoàn thiện đến hết năm 2025.
Để triển khai nhiệm vụ hành, Hà Nội đã ban hành các văn bản, triển khai nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID); là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng "không" khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong thời gian gần đây, công tác chuyển đổi số của Hà Nội đang chuyển động rất nhanh, đồng bộ. Các sở, ngành, quận, huyện có nhiều sáng kiến đóng góp cho chuyển đổi số của thành phố trên cả 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số; xây dựng thúc đẩy xã hội số, công dân số.
Đến nay, theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng, tính đến 9/2024, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành (trên 50%).
Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, ngày 28/6/2024, Hà Nội đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố, Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Trong cuộc đối thoại của Chủ tịch TP. Hà Nội với thanh niên Thủ đô mới diễn ra, trả lời câu hỏi về việc người dùng đang phải sử dụng quá nhiều ứng dụng, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng cho biết: "Chúng tôi mong muốn sau này tất cả các app sẽ gắn luôn vào iHanoi. Chúng ta chỉ cần dùng tài khoản iHanoi để khai thác tất cả các tiện ích, các app còn lại của Thành phố".
Về hạ tầng số, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều kế hoạch bải bản, căn cơ trong từng giai đoạn cũng như từng năm. Các app mới của các sở cũng sẽ được tích hợp vào iHanoi để khai thác tiện ích, đăng nhập một lần và có thể sử dụng tất cả các tính năng.
Đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số
Đối với phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, Hà Nội đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số như: Đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu chính; tiếp tục duy trì mạng diện rộng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.
Hà Nội cũng phát triển dữ liệu số, duy trì hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số nội bộ thuộc các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông - vận tải, lao động, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính. Cụ thể, hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức Thành phố (lĩnh vực nội vụ) đã triển khai tới 95 cơ quan, đơn vị; đã cấp 140/797 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị tham gia khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu. Các cơ quan, đơn vị đã đồng bộ trên 139.000 hồ sơ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Về phát triển doanh nghiệp số, Thành phố đã xây dựng, hình thành 2 khu công nghệ thông tin tập trung với 168 doanh nghiệp tham gia với trên 21.000 lao động. Doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp CNTT trong khu đạt gần 9.488 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT của Thủ đô); Giá trị xuất khẩu về CNTT đạt gần 877 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin quản lý dự án Thành phố đã triển khai tới các đơn vị trên địa bàn, hiện đã cấp 2.371 tài khoản. Đã tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin cơ bản 6.600 dự án (sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách) trên hệ thống phần mềm.
Về phát triển nhân lực số, Thành phố cũng quan tâm bố trí biên chế cho cán bộ chuyên trách về CNTT tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; ban hành Nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về CNTT tại các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố.
Trong phát triển kinh tế số và xã hội số, đến nay, đã tổ chức 216 khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 11.000 học viên. Năm 2023, đã hỗ trợ cho 16.792 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, đã hỗ trợ 3.450 doanh nghiệp thành lập mới.
Từ tháng 11/2023, Thành phố đã tiếp nhận chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 115.500 tỷ đồng.
Hiện nay, 99,5% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công. 100% doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng…
Thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ về cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số, gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố phiên bản 3.0, Ban hành và tổ chức triển khai Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.". Đồng thời, hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai Chính quyền số; Phát triển dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia và giữa các ngành.
Chuyển đổi số phải rút ngắn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc
Về công tác chuyển đổi số của Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định: Đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy đã bước đầu đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, Qua đó đã đưa các chỉ số về công tác chuyển đổi số của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để đạt được các mục tiêu của chuyển đổi số, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND chỉ đạo các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng được mục tiêu là chuyển đổi số phải rút ngắn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc.
Theo đó, phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của TP. Hà Nội đạt 30% như Nghị quyết đã đề ra. Đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế trong đó công nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì và phát triển hạ tầng công nghệ, hạ tầng số như: Trung tâm dữ liệu, Trung tâm Điều hành thông minh trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn thông tin mạng tạo nền tảng chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ hoàn thành các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Khẩn trương rà soát, tối ưu quy trình hành chính nội bộ, quy trình giải quyết TTHC. Tập trung hoàn thiện các hệ thống thông tin dùng chung đã triển khai, không để tình trạng lỗi, mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dân khi tham gia hệ thống.