Hà Nội: Tiếp tục mở đợt cấp Căn cước công dân gắn chíp
Ngày 14/10, Công an TP Hà Nội cho biết, từ 1/10 đến hết 31/10, các tổ lưu động tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân điện tử trên toàn thành phố.
Từ ngày 31/12/2020 đến nay, Công an TP đã nhận trên 5 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Qua rà soát, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 1 triệu công dân đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Nhằm hướng tới mục tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho toàn bộ người dân từ đủ 14 tuổi trở lên trong năm 2021, Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/10/2021 sẽ tiếp tục triển khai các tổ lưu động để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân trên toàn thành phố.
Theo đó, tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú, làm việc trên địa bàn Hà Nội và công dân đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp chứng minh nhân dân 12 số hoặc căn cước công dân mẫu cũ, nhưng chưa làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể đến trụ sở công an các quận, huyện, thị xã để làm thủ tục. Công an các địa phương tiếp tục duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ, làm việc tất cả các ngày trong tuần (từ 7 giờ đến 22 giờ).
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội lưu ý, ngoài những tiện ích của thẻ căn cước công dân mới đã được tuyên truyền rõ để người dân nắm bắt, khi Bộ Công an triển khai ứng dụng VNEID, người dân có thể sử dụng ứng dụng này để đăng ký thời gian, địa điểm làm căn cước công dân điện tử với cơ quan công an, để khi đến làm thủ tục không phải chờ đợi lâu.
Đối với trường hợp công dân đã có thông tin đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không phải kê khai thêm. Trường hợp công dân đã có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng thông tin chưa đủ hoặc có sự thay đổi, bổ sung hoặc công dân không có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… thì xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân đã được cấp trước đây còn giá trị sử dụng. Các giấy tờ hợp pháp khác (giấy khai sinh, quyết định của cơ quan tư pháp) để chứng minh nội dung thông tin cần thay đổi, bổ sung.
Công dân có thể chủ động liên hệ công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để cập nhật, bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đến làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu lệ phí cấp căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính và mức thu này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Cụ thể, chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp căn cước công dân điện tử: 15.000 đồng; đổi căn cước công dân điện tử: 25.000 đồng; cấp lại thẻ khi bị mất, khi trở lại quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng.
Công an TP Hà Nội đề nghị tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú, làm việc trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, tích cực hưởng ứng thực hiện và phối hợp, giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thuỳ Chi (T/h)