Hacker Trung Quốc tấn công các cơ sở an ninh của nhiều nước?

14:36, 31/05/2013

Không chỉ chiếm ngôi đầu bảng, mà Trung Quốc còn bỏ rất xa những quốc gia khác trong bảng xếp hạng về “thành tích” thực hiện các hoạt động tấn công mạng trên phạm vi quốc tế.

Nhà vô dịch trong việc thực hiện các vụ hack trên toàn thế giới

Đó là biệt danh tuần san Akamai Technologies trao tặng cho Trung Quốc sau khi thực hiện một cuộc khảo sát về các cuộc tấn công trên các thiết bị số. Hãy cùng lướt qua những con số mà Akamai Technologies tổng hợp được:
  • Vị trí số 1: Trung Quốc. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 41%. Xu hướng: Tăng mạnh
  • Vị trí số 2: Hoa Kỳ. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 10%. Xu hướng: Giảm nhẹ
  • Vị trí số 3: Thổ Nhĩ Kỳ. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 4,7%. Xu hướng: Tăng dần
  • Vị trí số 4: Nga. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 4,3%. Xu hướng: Tăng mạnh
  • Vị trí số 5: Đài Loan. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 3,7%. Xu hướng: Giảm mạnh
  • Vị trí số 6: Brazil. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 3,3%. Xu hướng: Giảm mạnh
  • Vị trí số 7: Romania. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 2,8%. Xu hướng: Tăng nhẹ
  • Vị trí số 8: Ấn Độ. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 2,3%. Xu hướng: Giảm dần
  • Vị trí số 9: Italy. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 1,6%. Xu hướng: Giảm nhẹ
  • Vị trí số 10: Hungary. Số lượng các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới: 1,4%. Xu hướng: Ít biến đổi
Có thể thấy, không những chỉ chiếm ngôi đầu bảng, mà Trung Quốc còn bỏ rất xa những quốc gia khác trong bảng xếp hạng về “thành tích” thực hiện các hoạt động tấn công mạng trên phạm vi quốc tế.



Những vụ tấn công nổi tiếng

Ngày 27/5/2013, giới truyền thông Australia đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi đưa tin các hacker Trung Quốc đã đánh cắp bản vẽ trụ sở mới của cơ quan tình báo Australia. Theo đó, tòan bộ bản vẽ tòa nhà trụ sở mới của cơ quan tình báo Australia, bao gồm cả bản vẽ hệ thống dây cáp thông tin cùng vị trí đặt các máy chủ, đã bị tin tặc Trung Quốc đánh cắp.

Theo đài truyền hình ABC, hacker đã sử dụng một máy chủ ở Trung Quốc sau đó tấn công hệ thống mạng của một nhà thầu nhận xây dựng tòa nhà tại Canberrra để đánh cắp dữ liệu. Các chuyên gia an ninh khẳng định, hành vi trộm cắp này có thể là nguyên nhân dẫn tới việc tòa nhà trị giá 630 triệu USD Úc này bị hoãn thời gian khai trương.

Chưa hết bàng hoàng thì chỉ trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi tiếp theo sau đó, ngày 28/5/2013, tờ Washington Post tiếp tục đăng tải một tin tức hết sức "nóng" cho biết bản thiết kế của hàng loạt các hệ thống vũ khí tiên tiến và "nhạy cảm" vào bậc nhất của Mỹ đã bị các hacker Trung Quốc tấn công để lấy cắp thông tin. Cụ thể, gián điệp mạng Trung Quốc đã lấy cắp được các thông tin tối mật về hệ thống vũ khí quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm các chiến đấu cơ F-35 (JSF F-35 Joint Strike Fighter), loại phi cơ mà Úc đang mua của Mỹ; máy bay Osprey và một loại chiến hạm mới của Hải quân Hoa Kỳ cùng hệ thống hỏa tiễn Patriot tân tiến, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo Aegis của Hải quân và phi cơ trực thăng Black Hawk.


Ngay sau 2 vụ việc trên, ngay lập tức, vô số quốc gia và công ty nổi tiếng trên toàn thế giới cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã thực hiện hành vi hacker trái phép đối với hệ thống thông tin của họ.

Trước tiên là Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc về các vụ đột nhập vào hệ thống máy tính hải quân nhạy cảm của nước này quanh khu vực Visakhapatnam vào năm 2011. Đây là trụ sở của Chỉ huy Hải quân phía Đông của Ấn Độ.

Tiếp theo đó là một loạt các cơ quan báo chí như New York Times, Wall Street Journal và Bloomberg đều cho rằng các hệ thống máy tính của họ bị hacker đột nhập sau khi họ cho đăng tải loạt bài viết “nhạy cảm” về các chính trị gia Trung Quốc.

Hãng điện thoại Apple của Mỹ cũng cho hay các máy tính của họ đã bị các hacker tấn công tương tự như cách mà Facebook gặp phải. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay thì chính phủ Trung Quốc vẫn hoàn toàn phủ quyết những lời cáo buộc trên.

Việt Nam cũng đã từng là nạn nhân

Không nằm ngoài quy luật chung của thế giới, Việt Nam cũng đã từng là nạn nhân của các hacker Trung Quốc. Theo thống kê của một số diễn đàn tin học, vào tháng 6/2011, khoảng 1.500 trang web của Việt Nam đã bị hacker Trung Quốc tấn công. Vào thời điểm đó, rất nhiều trang web bị mất quyền kiểm soát, thậm chí trên giao diện trang chủ còn xuất hiện hình ảnh cờ Trung Quốc và nội dung viết bằng chữ Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào ngày 26/3/2013 tại Hà Nội, trong cuộc Hội thảo về An toàn Thông tin (Security World 2013), một quan chức cấp cao của Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công An) – đại tá Trần Văn Hòa – cũng vừa chia sẻ thông tin khi bản thân trở thành đối tượng tấn công có chủ ý của hacker Trung Quốc.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc có ra sức bác bỏ và không thừa nhận, thì với tất cả những thông tin nêu trên, cả cộng đồng mạng vẫn không thể không nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các hacker Trung Quốc, những kẻ được coi là “tinh vi và sung mãn nhất thế giới, là mối đe dọa của các công ty nước ngoài”. Chủ tịch Google Eric Schmidt.

Hoàng Hải