Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành thị trường metaverse lớn thứ 5 thế giới vào năm 2026
Theo Yohaps, ngày 20/1, Hàn Quốc đã công bố lộ trình dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp metaverse của nước này, với mục tiêu trở thành thị trường lớn thứ năm thế giới trong 5 năm tới.
Theo kế hoạch được Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc công bố, quốc gia này sẽ thúc đẩy ít nhất 220 công ty metaverse với doanh số bán hàng đạt hơn 5 tỷ won (4,2 triệu USD) và thành lập một "học viện metaverse" trong năm nay để phát triển 40.000 chuyên gia trong nước vào năm 2026.
Bộ trưởng Khoa học và CNTT Lim Hye-sook cho biết: "Metaverse là một "thế giới số mới" với khả năng vô hạn", đồng thời lưu ý rằng chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành và các bộ liên quan.
Metaverse đề cập đến một không gian số được chia sẻ trong đó người dùng tương tác với nhau thông qua hình đại diện số và trải nghiệm thế giới thực tế ảo (VR). Các nền tảng như vậy đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi mọi người chuyển hoạt động lên trực tuyến nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch xây dựng một học viện ngôn ngữ tiếng Hàn trực tuyến trên nền tảng metaverse cho người nước ngoài và khởi động một số dự án ứng dụng công nghệ metaverse trong du lịch, y học và nghệ thuật, bao gồm cả trong K-pop.
Để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, Hàn Quốc sẽ vận hành "Học viện K-Metaverse" để giúp các startup metaverse toàn cầu thâm nhập thị trường Hàn Quốc và kết nối họ với các công ty nội dung trong nước.
Hiện tại, Hàn Quốc được cho là đứng thứ 12 trên thế giới về thị phần trong ngành công nghiệp metaverse.
Seoul đầu tư 345,9 tỷ won vào các dự án metaverse và số hoá khác vào năm 2022
Chính quyền thành phố Seoul hồi giữa tháng 1 cũng cho biết thành phố này sẽ đầu tư tổng cộng 345,9 tỷ won (291,4 triệu USD) trong năm nay cho các dự án khai thác các công nghệ số hóa tiên tiến như metaverse, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo chính quyền thành phố, có tới 1.067 dự án, bao gồm cả những dự án đang được 25 quận, huyện của thành phố theo đuổi, sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư "chuyển đổi mô hình sang số hóa".
Hình ảnh thành phố Seoul được số hoá
Một phần trong số 112,6 tỷ won vốn đầu tư được phân bổ sẽ dành cho các dự án thành phố thông minh nhằm kết hợp các công nghệ siêu dữ liệu, dữ liệu lớn và AI để xây dựng cơ sở hạ tầng số cho các dịch vụ dân sự nâng cao. Gần 250 dự án như vậy sẽ được thành phố tài trợ trong năm nay.
Các dự án lớn khác bao gồm việc mở rộng hệ thống camera quan sát được sử dụng AI trên toàn thành phố để tăng cường sự an toàn và giáo dục số cho những người chưa có cơ hội.
Seoul cũng cho biết gần 3.500 việc làm mới sẽ được tạo ra thông qua kế hoạch đầu tư, đặc biệt là những việc làm cho thanh niên.
Theo Yohaps