Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và dịch vụ thông minh
Việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và các tiêu chuẩn sản xuất, dịch vụ thông minh không chỉ nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra sức cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp Việt.
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), sản xuất thông minh là một hệ thống tích hợp đầy đủ các công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với biến động của chuỗi cung ứng và nhu cầu khách hàng theo thời gian thực.
Hệ thống này bao gồm sự kết nối của các thiết bị sản xuất với cảm biến, nền tảng điện toán, công nghệ truyền thông, mô hình hóa dữ liệu, điều khiển, mô phỏng và kỹ thuật dự đoán. Công nghệ “hệ thống thực ảo”, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và khoa học dữ liệu không chỉ giúp cải thiện quy trình sản xuất mà còn biến quá trình ra quyết định trở nên tự động và hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm, đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ thông cho sản xuất. Ảnh: rangdong.com.vn
Tại Hà Nội, Công ty CP Bóng đèn Phích Nước Rạng Đông đã tiên phong áp dụng robot hóa, công nghệ học máy và AI vào quy trình sản xuất. Nhờ tự động hóa, doanh nghiệp đã giảm được chi phí sản xuất ngay cả trong bối cảnh giá vật tư và lãi vay tăng, đồng thời nâng cao năng suất lao động: sản phẩm LED tăng từ 5,5 triệu sản phẩm/tháng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng (tăng 30%) và sản phẩm phích tăng từ 1,4 triệu sản phẩm/tháng lên 1,9 triệu sản phẩm/tháng (tăng 37%).
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết, tự động hóa các quy trình sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng và tối ưu nguồn lực mà còn là bước đột phá quan trọng trong cam kết bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Tương tự, Tập đoàn Sơn Hà - chuyên cung cấp thiết bị về nước và nhà bếp – đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP. Trước đây, Sơn Hà sản xuất theo kế hoạch tháng hoặc theo đơn hàng đặt trước; nhưng với ERP, mỗi đơn hàng bất kỳ sẽ được chuyển thông tin ngay lập tức đến các bộ phận liên quan như sản xuất, vật tư và tài chính. Kết quả là, thời gian logistics, thời gian vận chuyển và tồn kho giảm thiểu tối đa, giúp đáp ứng nhanh chóng và chính xác nhu cầu của khách hàng.
Không chỉ Hà Nội, tỉnh Yên Bái đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống quản lý tiên tiến nhằm cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp đôn đốc Công ty Điện lực Yên Bái triển khai ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý lưới điện qua hệ thống thông tin địa lý (GIS), quản lý máy biến áp và số hóa hợp đồng mua bán điện. Những biện pháp này không chỉ tăng cường hiệu quả điều hành, sản xuất kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp giảm thời gian tồn kho, tối ưu hóa quá trình logistics và đảm bảo an toàn nguồn cung điện năng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như ISO 9000, ISO 14000 và tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện. Các doanh nghiệp không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn xây dựng được thương hiệu sản phẩm uy tín, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tại Kiên Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh và cả nước.
Theo đó, tỉnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh, phát triển cộng đồng. Tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình quốc gia, chính sách của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Phổ biến, hướng dẫn các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Tiếp đến, tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Trong giai đoạn chuyển đổi số, mọi doanh nghiệp từ tập đoàn lớn cho đến doanh nghiệp nhỏ đều có cơ hội tiếp cận sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp lớn có thể đầu tư hàng triệu USD vào dây chuyền sản xuất hiện đại, trong khi doanh nghiệp nhỏ có thể lựa chọn giải pháp phần mềm quản trị sản xuất, quản lý tồn kho và chuỗi cung ứng với chi phí phù hợp. Điều kiện duy nhất để tham gia là sự sẵn sàng chuyển đổi và đổi mới sáng tạo - yếu tố quyết định của nền kinh tế thời đại số.
Việc phát triển sản xuất thông minh không chỉ tạo ra các bước tiến vượt bậc trong năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam chuyển dịch từ mô hình lắp ráp gia công sang sản xuất, thiết kế và chế tạo sản phẩm “Make in Vietnam”. Đây chính là chìa khóa đưa đất nước tiến gần hơn tới một nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và bền vững, góp phần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, chú trọng cả ngành công nghiệp nền tảng và ngành mới, công nghệ cao.
Từ việc tích hợp công nghệ số trong sản xuất đến chuyển đổi quy trình quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, sự chuyển mình của các doanh nghiệp Việt đang được xem là một bước đột phá của nền kinh tế trong thời đại số. Sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý hiện đại và các giải pháp số hóa đã giúp các doanh nghiệp tự động thu thập dữ liệu, tự ra quyết định dưới sự giám sát của con người, tạo ra một môi trường sản xuất linh hoạt, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Như vậy, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh không chỉ là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để mỗi doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho toàn nền kinh tế quốc gia.