Trở thành 'chính quyền thông minh' mới có thể cung cấp các dịch vụ thông minh
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam Vinasa, Viện trưởng viện Khoa học và Công nghệ Vinasa, sự kiện ra mắt ứng dụng iHanoi là điểm nhấn quan trọng trong chuyển đổi số của thành phố Hà Nội với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh nội dung trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ nhân sự kiện Hà Nội chuẩn bị ra mắt và chính thức vận hành ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) với nhiều tiện ích.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang
Giúp "thu hẹp khoảng cách" giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Thành phố Hà Nội dự kiến ra mắt ứng dụng iHanoi vào cuối tuần này cùng với sự kiện công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng triển khai Đề án của 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang: Ứng dụng iHanoi là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời ứng dụng này cũng mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp… Ứng dụng iHanoi sẽ giúp "thu hẹp khoảng cách" giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Như chúng ta đã biết, Hà Nội vinh dự là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ giao triển khai thí điểm một số nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc. Trong đó có các nội dung nhiệm vụ: Xây dựng ứng dụng Công dân thủ đô số; Xây dựng hệ thống Hồ sơ Sức khoẻ điện tử; Thí điểm triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thí điểm triển khai cấp lý lịch tư pháp trên Ứng dụng VneID; Phòng họp số, phòng họp thông minh tích hợp Hệ thống họp và xử lý công việc Thành phố (i-Cabinet).
4 ứng dụng được công bố lần này đều là các ứng dụng có tính nền tảng quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững của Thủ đô Hà nội: iHanoi là ứng dụng tạo kết nối tin cậy, chính danh của công dân với chính quyền các cấp ở Thủ đô; i-Cabinet là ứng dụng tạo kết nối và điều hành công việc của các cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền; Hệ thống thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe thực tế thuộc lĩnh vực giao thông tĩnh thông minh (Ba ứng dụng này có phạm vi áp dụng riêng cho Thủ đô Hà nội); Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử là đề án của ngành y tế triển khai trên địa bàn Hà Nội. Điểm chung của cả bốn ứng dụng công bố lần này là chúng đều đã hoặc sẽ được tích hợp với VneID và đều là các nội dung trong Đề án 06 của Chính phủ.
Theo ý kiến cá nhân của tôi đây là kết quả trực tiếp của việc UBND TP. Hà Nội đã có một quyết định quan trọng là thành lập 01 Ban chỉ đạo duy nhất, do chủ tịch UBND Thành phố đứng đầu để chỉ đạo ba lĩnh vực quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số (bao gồm cả xây dựng đô thị thông minh) và triển khai đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Thủ đô. Thực tế, nếu không có cải cách thủ tục hành chính thì chuyển đổi số sẽ chỉ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà không thể tạo ra đột phá. Mặt khác, không có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không thể định danh và xác thực do đó không thể tạo môi trường kết nối số tin cậy, an toàn.
Về mặt chuyên môn, chúng tôi thấy cả 4 ứng dụng ra mắt lần này, mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đều là phiên bản ban đầu. Công tác hoàn thiện, bổ sung tính năng và đặc biệt là công tác triển khai rộng khắp sẽ quyết định thành bại của 4 nền tảng này. Hà Nội đã triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành và tôi hi vọng 4 ứng dụng sẽ thành công khi người dân, doanh nghiệp được trải nghiệm.
Hiện nay, Hà Nội đã đồng bộ hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân nhằm hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID. Ảnh: VGP/Minh Anh
Theo ông, tên gọi cũng như cách thức vận hành của ứng dụng Công dân Thủ đô số "iHanoi" - Chạm để kết nối" có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo lập kênh kết nối số giữa Chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô?
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang: Về tên gọi iHanoi, theo thông tin tôi được biết đây là tên gọi đã được bàn thảo kỹ. Chữ ''i'', thông thường được hiểu theo nghĩa là internet – trực tuyến, nhưng cũng có thể có thêm hàm ý là interconnected – kết nối, intelligent – thông minh. Tên gọi như vậy theo ý kiến cá nhân của tôi là phản ánh được kỳ vọng của lãnh đạo thành phố đối với nền tảng này.
Ứng dụng iHanoi nhằm mục tiêu tạo kết nối chính danh, tin cậy giữa công dân (chính xác hơn là cư dân) với chính quyền số. Nguyên tắc chung ở đây là mỗi người dân chỉ cần 01 ứng dụng duy nhất, 01 tài khoản duy nhất được xác thực bởi chính quyền thông qua VneID là có thể truy cập vào mọi tài nguyên thông tin, mọi dịch vụ của chính quyền số đô thị.
Trong tương lai, cùng với quá trình chuyển đổi số của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn (như mặt trận tổ quốc và các tổ chức trực thuộc) ứng dụng này sẽ trở thành một nền tảng kết nối cư dân – doanh nghiệp - chính quyền. Thông qua kết nối số, cư dân có thể kết nối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng kết nối với nhau và với chính quyền… Khi mọi chủ thể trên địa bàn Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế có thể kết nối chính danh và tin cậy với nhau trên môi trường số, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin và tri thức với nhau thì khi đó chúng ta sẽ có một môi trường số an toàn. Môi trường kết nối số an toàn này, trong đó mỗi chủ thể đều có thể được định danh, được xác thực một cách tin cậy sẽ là nền tảng để xây dựng xã hội số và có tác động thúc đẩy kinh tế số cũng như cung cấp dữ liệu quan trọng cho hoạt động của chính quyền số vì lợi ích của người dân.
Giao diện ứng dụng iHanoi
Lựa chọn những việc mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Ngoài những ứng dụng, nền tảng bước đầu thực hiện thí điểm như trên, theo ông thời gian tới TP. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh nào khác nữa để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang: iHanoi sẽ là nền tảng để cung cấp thêm rất nhiều các dịch vụ tiện ích khác nữa phục vụ cho cư dân; i-Cabinet là nền tảng để điều hành, quản lý hoạt động của chính quyền do vậy, bên cạnh quản lý họp hành, xử lý công việc sẽ có thêm nhiều tính năng phục vụ hoạt động của chính quyền; các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ được kết nối với nhau, chia sẻ thông tin để tạo thành một hệ thống giao thông tĩnh thông minh, giúp người lái xe có thể tìm được chỗ gửi xe phù hợp; Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là nền tảng để triển khai y tế thông minh trên địa bàn Thủ đô.
Tóm lại 4 ứng dụng này đều là các nền tảng quan trọng cho đổi mới sáng tạo và sẽ có nhiều tiện ích khác nữa sẽ được cung cấp dựa trên các nền tảng này. Chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài và cũng chắc chắn sẽ có thêm các nền tảng khác nữa được xây dựng.
Thưa ông, để TP. Hà Nội tiếp tục duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, theo ông Thành phố cần tiếp tục triển khai những giải pháp gì với những bước đi cụ thể như thế nào trong thời gian tới?
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang: Theo những gì tôi cảm nhận được qua các buổi làm việc của lãnh đạo Thành phố với các chuyên gia thì Hà Nội đương nhiên muốn cải thiện thứ hạng về chuyển đổi số, tuy nhiên đây không phải là mục tiêu chính. Nguyên tắc chung được thành phố Hà Nội nêu ra là lựa chọn những việc mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, có sự đồng thuận cao thì tập trung làm đến nơi đến chốn, lấy lợi ích của người dân làm thước đo chính.
Bên cạnh những việc mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, thành phố Hà Nội cũng đã và đang làm những việc căn cơ, lâu dài như đưa yếu tố ''thông minh bền vững'' (bao gồm cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) vào quy hoạch chung phát triển Thủ đô và tới đây sẽ là quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bên cạnh đó, đề án xây dựng đô thị thông minh, chiến lược dữ liệu cũng đang được khẩn trương xây dựng và ban hành.
Tôi hi vọng rằng tiếp theo điểm nhấn trong chuyển đổi số qua sự kiện lần này, các sở ngành của thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số các lĩnh vực quản lý của mình. Chỉ khi chính quyền chuyển đổi số thành công, trở thành ''chính quyền thông minh'' mới có thể cung cấp các dịch vụ thông minh cho cư dân của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ