Hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn trên đường về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (1938-1941)
Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), Tạp chí Tin học và Đời sống kính mời độc giả cùng ôn lại hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người được Quốc tế Cộng sản đồng ý cho về nước công tác để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Bác Hồ về thăm lại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngày 29/9/1938, sau khi được Quốc tế Cộng sản đồng ý cho về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc rời Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (tại Mátxcơva, Liên Xô) đáp xe lửa đi về phương Đông. Người vượt biên giới Xô - Trung, vào Urumsi (Tân Cương) để đến Lan Châu tìm cách về Việt Nam. Theo lệnh của Quốc tế Cộng sản, một cán bộ cao cấp trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đón Nguyễn Ái Quốc, chuẩn bị cho Người một chứng minh thư Trung Quốc với tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Từ đây Người hoạt động tại Trung Quốc để bắt liên lạc về nước, từ đó tìm đường về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời gian này người tích cực hoạt động báo chí và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Tại Quế Lâm (thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) người được sắp xếp ở trong trụ sở của Văn phòng Bát lộ quân với cương vị ủy viên y tế, kiêm ủy viên bích báo, phụ trách biên tập tờ “Sinh hoạt tiểu báo” là tờ báo nội bộ của đơn vị. Người tự trình bày bìa báo, tự viết tên báo, biên tập báo. Tháng 12/1938, Nguyễn Ái Quốc với tên ký P.C. Lin đã viết bài “Người Nhật Bản muốn khai hóa Trung Quốc như thế nào”. Người đã vạch trần những hành động tàn bạo của bọn phát xít Nhật Bản như hãm hiếp, tàn sát, cướp bóc… Từ đó người đưa ra dự báo, cũng là cảnh tỉnh người đọc về “những gì mà chúng nhất định sẽ tiến hành tại các nước khác ở châu Á, nếu một khi chúng đã thắng được nhân dân Trung Quốc”. Bài báo được gửi đăng trên tờ “Dân chúng”, cơ quan ngôn luận của Đảng ta tại Sài Gòn. Sau đó tiếp tục được đăng trên tờ Notre voix (Tiếng nói của chúng ta) tuần báo công khai bằng tiếng Pháp của Đảng ta xuất bản tại Hà Nội.
Từ tháng 2-1939, Người viết một loạt bài báo dưới tiêu đề “Thư từ Trung Quốc” để nêu rõ tai họa xâm lược của phát xít Nhật, ca ngợi tinh thần anh dũng kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, phân tích các hoạt động phá hoại của bọn tờrốtxkít ở Trung Quốc, qua đó để gián tiếp báo động về những hoạt động của bọn này ở Việt Nam. Bọn tờrốtxkít đã đội lốt mác-xít, giả danh cách mạng, làm cho dân chúng lầm tưởng rằng những người cộng sản và tờrốtxkít chỉ là một. Những bức “Thư từ Trung Quốc” là sự truyền đạt gián tiếp những chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc về cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại hoạt động phá hoại của bọn tờrốtxkít ở Việt Nam. Những bài báo đã có tác dụng nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên ta phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh vạch trần những hoạt động phá hoại của bọn tờrốtxkít ở trong nước.
Sau hơn một năm ở Quế Lâm, đã tìm nhiều cách nhưng không bắt được liên lạc với người từ trong nước sang, cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc đi Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam để tìm đường khác về nước. Côn Minh là điểm cuối của đường xe lửa Điền – Việt (Côn Minh – Hải Phòng), ở đây có nhiều Việt kiều sinh sống, phần lớn họ là “cu li” bị Pháp bắt đi làm đường sắt, sau đó ở lại. Đến Côn Minh, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong Tỉnh ủy Vân Nam, cuối cùng người đã bắt liên lạc được với Ban Hải ngoại của Đảng ta.
Tổ chức đảng ở Côn Minh có phát hành một tờ báo tên là “Truyền tin” ra hàng tháng. Nội dung chủ yếu của báo là lên án Nhật xâm lược, kêu gọi Việt kiều đấu tranh cách mạng, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đề nghị đổi tên tờ báo thành “Đ.T.” để người đọc có thể hiểu theo các nghĩa Đồng Thanh, Đấu Tranh, Đồng Tâm, Đánh Tây đều có lợi cho cách mạng. Thời gian này, Người đã viết nhiều bài cho báo Đ.T. để vạch tội ác của giặc Pháp – Nhật, kêu gọi quần chúng, trong đó có Việt kiều tại Vân Nam ủng hộ Trung Quốc chống Nhật.
Khu di tích nơi ở cũ của Hồ Chí Minh tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.
Ngày 15/6/1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp. Nhận thấy thời cơ cách mạng, Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp tại trụ sở báo Đ.T. để phân tích tình hình cho các đồng chí của ta. Người hạ quyết tâm phải về nước sớm nhất có thể để tranh thủ thời cơ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị tán thành ý kiến của Người. Tuy nhiên việc về nước theo hướng Côn Minh – Lào Cai không thực hiện được do ngày 10/9/1940 quân đội Trung Hoa đã phá chiếc cầu Hồ Kiều nối liền Vân Nam – Lào Cai, cắt đứt tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng, đồng thời biểu thị sự đóng cửa biên giới khu vực này. Đến tháng 10/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) tìm đường về nước theo hướng mới. Trong khoảng thời gian này Nguyễn Ái Quốc đã viết hơn 10 bài báo đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xuất bản ở Quế Lâm. Các bài báo đã phê bình sai lầm của một số tờ báo Trung Quốc đăng tuyên ngôn của bọn Việt gian “Đảng thống nhất cách mạng Việt Nam”; phê bình sai lầm của một số tờ báo Trung Quốc đã nhầm lẫn khi đưa tin về Việt Nam; ngoài ra Người còn viết nhiều bài về sự chi viện mọi mặt của nhân dân Việt Nam cho cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc. Những bài báo đó là những trang sinh động thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước Việt – Trung đang chiến đấu chống kẻ thù chung.
Sớm mồng hai Tết Tân Tỵ (1941), tức ngày 28/01/1941, sau nhiều nỗ lực cùng sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân về nước tại cột mốc số 108, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Từ đây người đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Sau khi được Quốc tế Cộng sản đồng ý cho về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã từ Liên Xô về Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1938 đến đầu năm 1941 khi hoạt động ở Trung Quốc để bắt liên lạc, tìm đường về Việt Nam lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động báo chí để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân, cách mạng Việt Nam và nhân dân, cách mạng Trung Quốc. Đồng thời thông qua báo chí Người cũng gián tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước đi đúng định hướng. Những kết quả hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn trên đường về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng càng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Tạp chí in số 2 tháng 6/2024