Học sinh Việt Nam tạo dấu ấn trên đấu trường thế giới
Tham gia các cuộc thi Olympic Tin học đồng đội quốc tế, Olympic Hóa học quốc tế Abu Rayhan Biruni, Olympic Vật lý châu Âu với tư cách khách mời, học sinh Việt Nam liên tiếp đạt giải cao với vị trí dẫn đầu.
Đội Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Vật lý châu Âu 2025.
Khách mời vô địch giải đấu
Lần đầu tiên tham dự Olympic Tin học đồng đội quốc tế (IIOT 2025), đội tuyển Việt Nam gồm 4 học sinh đến từ Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với số điểm ấn tượng 771/800.
Theo thầy trưởng đoàn Đỗ Phan Thuận (Đại học Bách khoa Hà Nội), Olympic Tin học đồng đội quốc tế (IIOT) là cuộc thi lập trình máy tính uy tín trên thế giới dành cho học sinh THPT. Cuộc thi đề cao tinh thần làm việc nhóm, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường công nghệ hiện đại.
Tham gia cuộc thi là các đội thi gồm 4 học sinh. Học sinh thi lập trình đồng đội ở cấp THPT, tương tự kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC dành cho sinh viên đại học. Tổ chức lần đầu vào năm 2017 tại Italy, IIOT dần khẳng định uy tín và nhận được sự quan tâm của học sinh nhiều nước trên thế giới.
Năm 2025, cuộc thi tổ chức tại thành phố Budapest (Hungary) từ ngày 30/5 đến hết ngày 3/6 với sự tham dự của 15 đội thường xuyên và 8 đội khách mời đến từ các nước Bulgaria, Hungary, Italy, Romania, Syria, Mỹ, Iran, Israel, Saudi Arabia, Thụy Điển, Việt Nam.
Theo quy định của ban tổ chức, các quốc gia là thành viên thường xuyên được cử tối đa 3 đội tham gia và xét giải chính thức. Các đội khách mời từ những nước được mời tham dự và xét giải khách mời. Đội tuyển Việt Nam tham dự IIOT 2025 gồm 4 học sinh đến từ Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, đều là những học sinh có thành tích học tập xuất sắc và tinh thần đồng đội cao vì đã gắn bó lâu năm trong quá trình ôn luyện đội tuyển.
Hoàng Xuân Bách - thí sinh giành Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á và Huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế năm 2024. Nguyễn Bùi Đức Dũng, Nguyễn Xuân Chí Thanh cũng mới đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Tin học châu Á năm nay.
Với tinh thần thi đấu bản lĩnh, chiến thuật hợp lý và khả năng phối hợp ăn ý, đội tuyển Việt Nam chính thức ghi tên mình vào bảng vàng thành tích của IIOT với tấm Huy chương Vàng danh giá dành cho đội khách mời. Đáng chú ý, điểm số của đội Việt Nam là 771, ngang bằng Bulgaria, đội giành Huy chương Vàng bảng đấu dành cho các quốc gia là thành viên thường xuyên. Ban tổ chức IIOT đánh giá, Việt Nam là đội gây ấn tượng mạnh nhất tại kỳ thi năm nay.
Ban tổ chức và học sinh các nước ấn tượng với điểm số của Đội tuyển học sinh Việt Nam tại IIOT 2025.
Khách mời thường xuyên giải đấu châu Âu
Cũng trong tháng 6/2025, tham dự Olympic Vật lý châu Âu năm 2025 (EuPhO) tại Bulgaria, đội Việt Nam xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng và 1 bằng khen. Đây là thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam trong 7 lần tham dự, là lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng của giải đấu.
Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) là cuộc thi Vật lý uy tín trên thế giới bên cạnh các cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO), Olympic Vật lý châu Á (APhO). Giải đấu dành cho học sinh THPT các nước châu Âu và một số nước khách mời ngoài châu lục, trong đó có Việt Nam. Mỗi nước tham gia cử 5 học sinh dự 2 phần thi lý thuyết và thực hành, mỗi phần thi kéo dài 5 giờ.
Năm 2025, Olympic Vật lý châu Âu lần thứ 9 được tổ chức tại thành phố Sofia, Bulgaria từ ngày 13/6 đến 17/6 quy tụ hơn 200 học sinh đến từ 29 nước châu Âu và 10 nước khách mời, trong đó có Việt Nam. Đây là năm thứ 7 Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Âu. Năm trước, đoàn Việt Nam giành 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.
Về thành tích đạt được của đoàn học sinh Việt Nam, thầy trưởng đoàn Nguyễn Cao Khang - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Olympic Vật lý châu Âu là kỳ thi thường niên dành cho học sinh trung học, bên cạnh các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Vật lý châu Á Thái Bình Dương. Đây là giải đấu uy tín, được các chuyên gia và giới học thuật đánh giá cao.
Được tổ chức đầu tiên vào năm 2017, các kỳ thi đầu tiên chỉ dành riêng cho học sinh các nước châu Âu. Đến năm 2019, kỳ thi mở rộng đối tượng sang các nước khác, trong đó Việt Nam là nước ngoài châu lục tham dự sớm nhất và luôn có học sinh đoạt giải, một trong những nước đạt thành tích xuất sắc nhất của kỳ thi.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ GD&ĐT giao, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam tuyển chọn và thành lập đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2025. Đội tuyển gồm 5 thành viên, là những học sinh đạt giải cao tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, lọt vào vòng thi chọn học sinh giỏi dự thi quốc tế.
“Năm nay, đoàn dự thi có nhiều thuận lợi khi nhận được sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria, Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam. Trong những ngày tại Bulgaria, đoàn học sinh Việt Nam có nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa với các đoàn học sinh quốc tế”, ông Khang thông tin.
Nguyễn Trần Hiệu - học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh, chủ nhân Huy chương Vàng EuPhO 2025 chia sẻ: “Tham gia EuPhO, thí sinh làm hai phần thi lý thuyết và thực hành, mỗi phần 5 tiếng. Kiến thức đề thi gói gọn trong chương trình THPT, nhưng có sự biến tấu đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc để phân tích. Em rất vui khi được tham dự giải đấu này và đã có nhiều trải nghiệm”.
Chủ nhân Huy chương Vàng còn lại, Nguyễn Lê Đăng Khoa (Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay: Olympic Vật lý châu Âu nhiều năm qua là sân chơi quen thuộc của học sinh Việt Nam. Tham gia giải đấu này không chỉ bởi thành tích là những tấm huy chương mà còn trở thành cơ hội để học sinh Việt Nam giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế, nhất là học sinh những nước châu Âu, nơi có nền khoa học kỹ thuật rất phát triển.
Theo thầy Đỗ Phan Thuận, chiến thắng tại IIOT 2025 không chỉ là thành quả về mặt học thuật mà còn minh chứng cho tài năng, ý chí và bản lĩnh của học sinh Việt Nam trong lĩnh vực khoa học máy tính, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. |