Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 15 “Kỹ nghệ tri thức và Hệ thống" năm 2023
Sáng ngày 18/10/2023, tại Học viện Kỹ thuật mật mã đã diễn ra Lễ Khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 15 “Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống” năm 2023 (KSE 2023). Đây là Hội nghị khoa học quốc tế có uy tín cao, thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống - một lĩnh vực quan trọng của ngành công nghệ điện tử và công nghệ thông tin.
Tham dự Hội nghị, về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng, TS. Hoàng Văn Quân, Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, cùng các đại biểu là một số đại diện Lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Về phía đại diện Ban tổ chức và khách mời có các đồng chí: PGS. TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, cùng một số thành viên của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin và đại diện Lãnh đạo của các Trường Đại học, học viện đào tạo hàng đầu về công nghệ thông tin và điện tử viễn thông.
PGS. TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị khoa học quốc tế KSE được tổ chức thường niên tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Năm nay, Học viện Kỹ thuật mật mã vinh dự được đồng hành cùng các đơn vị: Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản đồng tổ chức Hội nghị KSE 2023 lần thứ 15.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã chia sẻ: “Hội nghị KSE 2023 là diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ đồng thời đặt ra những yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học trong cả nước, với những kết quả nghiên cứu, những công trình khoa học có chất lượng và thiết thực. Tại Hội nghị lần này, các nhà khoa học sẽ trình bày những thành quả học thuật, được lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện và được trao đổi với các chuyên gia đến từ nhiều khu vực lãnh thổ trên thế giới về các lĩnh vực khoa học đổi mới hiện đại”.
Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngoài ra, điểm khác biệt so với truyền thống Hội nghị trước đây, là Hội nghị KSE 2023 có thêm phiên chuyên đề đặc biệt “An toàn thông tin và Mật mã” - đây là các chủ đề nóng hổi của xã hội hiện nay, là những yếu tố then chốt, xương sống của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong công cuộc Chuyển đổi số nhằm xây dựng, phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Ban tổ chức cho biết, Hội nghị năm nay tiếp nhận hơn 145 bản thảo đến từ 20 nước trên thế giới, sau khi trải qua phản biện một cách nghiêm túc, tích cực, Hội nghị đã lựa chọn được 80 báo cáo xuất sắc nhất để trình bày tại các phiên chuyên đề của Hội nghị và được chấp nhận đăng tải trên IEEE Explore - hệ thống thư viện điện tử có uy tín cao, được tham khảo và trích dẫn nhiều trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực Công nghệ điện tử và Công nghệ thông tin.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày 18-20/10/2023 với sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành với các báo cáo mời thuộc các lĩnh vực như sau:
- GS. Arndt von Haeseler, Trung tâm Tin sinh học Tích hợp Vienna (CIBIV), Đại học Vienna và Đại học Y Vienna, Áo, trình bày về FloVelo: Pushing Boundaries of RNA Velocity Models in scRNA-seq Data. FloVelo là cách khám phá, dựa trên dữ liệu để phân tích lớp thông tin mới trong dữ liệu scRNA-seq và do đó có thể xử lý hiệu quả các phát triển công nghệ trong tương lai, chẳng hạn như ước tính cải thiện tỷ lệ của các lần đọc không ghép và các biến thể ghép có thể thực hiện được bằng cách đọc dài các công nghệ giải trình tự.
- GS. Thomas Ågotnes, Trưởng nhóm nghiên cứu Logic và AI tại Khoa Khoa học Thông tin và Nghiên cứu Truyền thông, Đại học Bergen, Na Uy và là Giáo sư Khoa học Thông tin - người đứng đầu nhóm nghiên cứu Logic và AI, sẽ chia sẻ về Group Knowledge: Some Recent Developments - Mối quan tâm nghiên cứu chính của ông bao gồm biểu diễn tri thức hình thức và lý luận về các loại tương tác khác nhau, đặc biệt là sử dụng logic phương thức, thường được kết hợp với các mô hình toán học tương tác khác. Các khái niệm nổi tiếng về kiến thức nhóm đã được đề xuất trong tài liệu bao gồm kiến thức phân tán. Trong buổi trình bày sẽ báo cáo về một số sự phát triển mới này.
- GS. Jean-Yves Marion, Đại học Lorraine và Giám đốc Loria, Pháp, giới thiệu về Scalable program clone search through spectral analysis - đề xuất một phương pháp phân tích quang phổ mới để giải quyết vấn đề tìm kiếm bản sao chương trình đạt đến điểm cao về độ chính xác, tốc độ và độ mạnh mẽ.
- GS. Sylvain Guilley, CTO Secure-IC, sẽ đề cập đến ElectroMagnetic Analysis with Secure-IC Analyzr Platform - Phân tích điện từ với Secure-IC Analyzr Platform.
- Ông Gustavsson Tomas Bertil (Svensk Thụy Điển), Securmetric Technology sẽ thảo luận về: Exploring the latest development in Post-Quantum Cryptography, Crunching the Numbers with real performance benchmarks – Những khám phá và phát triển mới nhất về Mật mã hậu lượng tử, việc điều chỉnh các giao thức để xử lý các thuật toán, Cơ chế đóng gói khóa (KEM) cho cả việc cấp chứng chỉ và trong các tiêu chuẩn TLS là một ví dụ về các hệ thống mật mã kiểm chứng trong tương lai, so sánh các thuật toán cổ điển và lượng tử về kích thước khóa, hiệu suất, bảo mật và tốc độ phát hành với một số mô-đun bảo mật phần cứng.
Ngoài phiên Hội nghị chính, KSE 2023 có các tham luận được trình bày tại các tiểu ban với chủ đề: An ninh mạng và Mật mã; Học máy và Kỹ thuật phần mềm; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Dữ liệu đa phương thức và ứng dụng đa ngành; Khoa học dữ liệu và Ứng dụng tại Hội trường; Phần mềm thông minh và biểu diễn tri thức; Thị giác máy tính; Ứng dụng phân tích kinh doanh trong ngành…
KSE 2023 là diễn đàn quốc tế để trình bày, thảo luận và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống để đạt được mục tiêu đề ra là tập hợp các nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên không chỉ để chia sẻ kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tế mà còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về nghiên cứu và đào tạo giữa các cơ sở nghiên cứu, giáo dục trong lĩnh vực này.
Hội nghị hân hạnh được sự đồng hành của các đơn vị: Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF); Công ty TNHH Công nghệ Securemetric; Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng.
Theo Tạp chí An toàn thông tin