Hội thảo khoa học 'Kinh tế tri thức, AI và khuynh hướng nghiên cứu trong cách mạng công nghiệp 4.0'
Ngày 14.4 tại TP.Quy Nhơn, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) đã tổ chức hội thảo khoa học 'Kinh tế tri thức, AI và khuynh hướng nghiên cứu trong cách mạng công nghiệp 4.0' với sự góp mặt của PGS Hoàng Xuân Huấn (Khoa CNTT, ĐHQG Hà Nội). Hội thảo bao gồm những nội dung: kinh tế tri thức/thông tin; vấn đề dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu (Data science); trí tuệ nhân tạo (AI); khuynh hướng nghiên cứu của công nghệ 4.0 (công nghệ sinh học, các hệ trợ giúp quyết định: chính phủ điện tử, trí tuệ kinh doanh).
- Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều ngành nghề mới
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu là cách mạng về thể chế
- Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần có nền giáo dục 4.0
- Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và mục tiêu phát triển ba đô thị thông minh tại Việt Nam
- Phó Thủ tướng: "Dù là mong muốn chủ động hay bị động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên phải sẵn sàng "nhảy nghề""
Tại hội thảo, TS Lê Thị Kim Nga, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng đã chuyển nền kinh tế toàn cầu từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức hay kinh tế thông tin.
“Nền kinh tế tri thức đã khai sinh khoa học dữ liệu nhằm tổ chức, xử lý, phân tích các dữ liệu lớn. Các tiến bộ của các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, tin-y-sinh có vai trò quan trọng trong công nghiệp 4.0 và thu hút nghiên cứu mạnh mẽ cả về hàn lâm lẫn ứng dụng”, TS Lê Thị Kim Nga chia sẻ.
PGS Hoàng Xuân Huấn phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS Hoàng Xuân Huấn cho biết: điểm quan trọng của kinh tế tri thức chính là liên kết các cá nhân và chủ thể để cùng phát triển. Trong đó, cạnh tranh và sáng tạo là động lực của phát triển, còn sự điều chỉnh của nhà nước pháp quyền và công ước quốc tế đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng tư duy, ý thức quan hệ xã hội, coi trọng tài năng đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tại hội thảo, dựa trên phác họa bức tranh toàn cảnh của kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều báo cáo viên đã trình bày các chủ đề thời sự trong nghiên cứu và ứng dụng của công nghệ thông tin hiện nay như: Dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng vào các bài toán trên mạng xã hội, tin - y - sinh, các hệ trợ giúp quyết định và trí tuệ kinh doanh…; đồng thời trao đổi kinh nghiệm về việc nghiên cứu và xây dựng nhóm nghiên cứu trong 42 năm qua của mình, bao gồm từ chọn và phát triển đề tài nghiên cứu đến tổ chức hợp tác các thành viên.
Mỹ Linh (T/h)