Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia

10:31, 25/04/2023

Trong khuôn khổ diễn đàn "Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số", Hội Truyền thông số Việt Nam đã ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia

Chiều 24/4, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức diễn đàn “Sáng tạo nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số” và ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia.

Sự kiện quy tụ hơn 300 đại biểu, diễn giả là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia uy tín cùng các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất nội dung số, kinh doanh, khai thác quảng cáo số trong và ngoài nước… để cùng thảo luận về những khó khăn, thách thức và các giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung số.

Trong khuôn khổ sự kiện, Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia, một nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số.

Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia.

Diễn đàn còn có khu vực triển lãm với các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm số và giải pháp số nổi bật hiện nay.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam Vũ Kiêm Văn cho biết: “Trong 5 năm gần đây, sự phổ biến của Internet, sự xuất hiện của đa dạng các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả khi tiếp cận và thụ hưởng nội dung từ các hình thức truyền thống như truyền hình, radio, báo in... đang dịch chuyển lên không gian số.

Để bắt kịp xu hướng này, các nhà sản xuất nội dung số buộc phải thay đổi tư duy nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nội dung đa dạng ở nhiều lĩnh vực từ tin tức, giải trí, tới thể thao, giáo dục.... Từ đó, sáng tạo nội dung số trở thành một sân chơi mới, đa màu sắc dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số”.

Thực trạng, tiềm năng, những khó khăn cũng như giải pháp trong lĩnh vực bản quyền, nội dung số, quảng cáo số được phân tích, trình bày qua hai phiên thảo luận chính của diễn đàn.

Diễn đàn là một điểm hẹn chất lượng để kết nối các nhà sáng tạo nội dung số với các tổ chức, doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng, đồng thời cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nội dung số, phân tích chuyên sâu thực trạng và cơ hội, tháo gỡ rào cản, khó khăn giúp các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xác định hướng đi đúng đắn trong giai đoạn tiếp theo.

Phiên thứ nhất là “Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số” với 4 diễn giả: ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin-Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số; ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam; ông Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Phiên thảo luận thứ hai “Khai thác thương mại, kinh doanh quảng cáo trên các nền tảng số” cũng đưa ra nhiều vấn đề nóng và đề xuất từ 4 diễn giả: ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Khối nền tảng trí tuệ nhân tạo, Trung tâm không gian mạng Viettel; bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Giám đốc MGID Việt Nam; ông Nguyễn Minh Dũng, Phó trưởng phòng Phát triển và Kinh doanh nội dung số, VTV Digital.

Diễn đàn “Sáng tạo nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số”.

Nhận định về cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, tính đến tháng 1/2023, nước ta có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu người sử dụng so với năm 2022. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% người trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội.

Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với người dân một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.

Hành vi tiêu dùng số cũng có sự dịch chuyển đáng kể, 4 xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng số như: Mua sắm trên mạng xã hội; trải nghiệm thực tế ảo (75% người dùng cho biết thực tế ảo làm gia tăng trải nghiệm trực tuyến của họ); social video (90% người dùng tương tác với video sau khi xem); trí tuệ nhân tạo (hơn 100 triệu người sử dụng Chat GPT sau 2 tháng).

Thị trường phim hoạt hình trên toàn cầu cũng tăng trưởng ngoạn mục, ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022 và dự kiến lên tới 587,1 USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 5,2%...

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện...

Tuy nhiên, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng nêu ra những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tiên có thể kể đến là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu mang tính tự phát và tính rủi ro cao.

Số lượng các doanh nghiệp startup nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% startup tồn tại sau 5 năm hoạt động.

Doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh yếu dễ bị tổn thương khi ra nhập thị trường quốc tế. Trường hợp một doanh nghiệp lớn nước ngoài đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bộ nhân vật hoạt hình, một số doanh nghiệp game Việt Nam cũng bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty nước ngoài.

Bảo Ngọc (T/h)