Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

16:45, 08/10/2024

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Tự động hóa Việt Nam, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) và hiện là Chủ tịch Hội đã có những chia sẻ với Tạp chí Tự động hoá Ngày nay về chặng đường phát triển mới của Hội.

Ngày 7/7/1994, với quyết định thành lập do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Khánh ký, Hội Khoa học công nghệ Tự động Việt Nam chính thức ra đời. 30 năm hoạt động, Hội luôn khẳng định được vị thế, vai trò của một Hội chuyên ngành quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là công nghệ tự động hóa.

Chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của Hội Tự động hoá Việt Nam (Hội TĐHVN- VAA) đã song hành cùng lịch sử đổi mới của đất nước. Là nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và hiện là Chủ tịch Hội TĐHVN, ông có đánh giá gì về những bước phát triển Hội và thành tựu của ngành TĐH Việt Nam trong 3 thập kỉ qua?

Chặng đường 30 năm của Hội TĐHVN đã gắn liền với quá trình đổi mới của đất nước. Ngay từ Đại hội Đảng khoá III, KHCN đã được coi là then chốt và sau này trở thành nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII, KHCN được xem là quốc sách hàng đầu. Trong đó, tự động hoá, thông qua Chương trình KC-03, đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống KHCN của Việt Nam.

Hiện nay, khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế số, TĐH tiếp tục là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia, với sự tích hợp của nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, vật liệu, robot và cơ khí chính xác. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng các quyết định quan trọng như Nghị quyết 52 và Quyết định 749 về chuyển đổi số, đã củng cố vị thế của TĐH trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hội TĐHVN, thành lập năm 1994, đã quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Trải qua 30 năm, Hội đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước và ngày càng khẳng định vai trò trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội). Hội đã liên tục tổ chức nhiều sự kiện nhằm quy tụ trí tuệ của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực TĐH tại Việt Nam và quốc tế. Những sự kiện này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ TĐH trong các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng cao giá trị cho nền kinh tế quốc gia.

Tôi may mắn được kế thừa truyền thống từ những người tiền nhiệm xuất sắc như đồng chí Đặng Vũ Chư và đồng chí Đỗ Hữu Hào. Với sự phát triển của thời đại và sự ủng hộ từ Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Tôi tin tưởng rằng, Hội TĐHVN sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong giai đoạn tới.

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

Lãnh đạo Hội Tự động hoá Việt Nam cùng lãnh đạo của các bộ, ngành, trường đại học tại Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về Điều khiển và Tự động hoá.

Ba thập kỉ phát triển, theo ông đâu là những việc trọng tâm mà Hội Tự động hoá Việt Nam đã làm được?

Hiện nay, những người làm việc trong lĩnh vực TĐH đang được phân bổ rộng rãi trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường đại học kỹ thuật đều có chuyên ngành đào tạo về TĐH. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, đều ứng dụng công nghệ TĐH trong dây chuyền sản xuất của mình. Đồng thời, trong các cơ quan quản lý nhà nước, với sự phát triển của công nghệ số và quá trình chuyển đổi số quốc gia, các thành tựu về công nghệ thông tin và TĐH cũng được áp dụng để nâng cao hiệu quả quản lý.

Vì vậy, bên cạnh vai trò đào tạo của các nhà trường và nhiệm vụ quản lý của các cơ quan nhà nước, Hội TĐHVN đóng vai trò là tổ chức tập hợp các nhà khoa học trong lĩnh vực TĐH. Hội không chỉ kết nối những nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà còn cả những nhà khoa học đang làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như các kỹ sư và chuyên gia đang hoạt động tại các doanh nghiệp.

Chúng tôi tập hợp lại để cùng nhau thực hiện những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của một hội nghề nghiệp. Thứ nhất, tư vấn phản biện và giám định xã hội. Thứ hai, tổ chức những sự kiện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu mới của doanh nghiệp. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để có thể làm chủ những công nghệ của nước ngoài, mời các đối tác nước ngoài tham gia những hoạt động về KHCN của Việt Nam. Thứ tư, truyền thông cho xã hội hiểu rõ về vai trò của KHCN nói chung và TĐH nói riêng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số.

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

Lãnh đạo Hội Tự động hoá tổ chức và đồng tổ chức nhiều hội thảo về chuyển đổi số.

Đâu là những khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển của Hội, thưa ông?

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì trong suốt những năm qua hoạt động của Hội cũng gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, hành lang pháp lý cho các hội nghề nghiệp vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện chưa có luật về hội nên những quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa được quy định trong văn bản cao nhất đó là Luật mà chủ yếu thực hiện theo quy định của Chính phủ và của Liên hiệp Hội. Vì vậy, những căn cứ pháp lý chưa thực sự có đủ tầm để các hội có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, các hội đều tự chủ toàn bộ hoạt động của mình, trong đó tự chủ tài chính là vấn đề rất khó khăn. Bởi vì huy động nguồn tài chính cho hoạt động của các hội hiện nay chủ yếu đều trông cậy vào sự ủng hộ của các hội viên.

Thứ ba, hội là tổ chức tự nguyện của những người có chuyên môn, có nhiệt tình, trách nhiệm nên không có tính ràng buộc về hành chính. Vì thế khi huy động các hội viên, các tổ chức bên ngoài hội tham gia tổ chức sự kiện, tổ chức các hoạt động rất khó khăn bởi họ phải cân nhắc đến những lợi ích nhất định thì mới quyết định tham gia. Chính vì thế chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước ban hành những quy định, những cơ sở pháp lý và có sự hỗ trợ để các hội có thể hoàn thành những sứ mệnh của mình, tập hợp những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực và tổ chức những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia
 

Lãnh đạo VAA cùng đại biểu tham gian gian hàng triển lãm.

Ông có kiến nghị gì về những chính sách cụ thể đối với các hội nghề nghiệp nói chung cũng như với Hội Tự động hoá nói riêng?

Ở các nước phát triển, các hội nghề nghiệp là các tổ chức quyền lực. Nhà nước giao cho họ quyền đảm bảo chất lượng hoạt động của hội viên. Những người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng kinh tế kỹ thuật sau khi hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề để xác nhận rằng cán bộ ấy hay là kỹ sư ấy đã có kinh nghiệm thực tiễn và có đủ trình độ để có thể thực hành nghề nghiệp của mình trong xã hội.

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch VAA (bên trái) và ông Koshchiev V.P – Chủ tịch đại diện của Quỹ SODEISTVIE ký kết hợp tác. Ảnh: Trà Giang

Ở Việt Nam, các hội nghề nghiệp hoàn toàn chưa được giao chức năng này. Đã có nhiều lần các hội kiến nghị Nhà nước cần học tập kinh nghiệm các nước phát triển. Điều này không phải là đem lại quyền lực cho các hội mà mục đích để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức thành viên trong bộ máy. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn vướng mắc nên đến thời điểm này vẫn chưa có quy định nào về mặt pháp luật về việc các hội nghề nghiệp có chức năng hay nhiệm vụ, quyền hạn trong việc được tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề cho những người làm việc trong lĩnh vực của mình. Cũng có một vài lĩnh vực như y tế, xây dựng, tư pháp đã thực hiện được nhiệm vụ đó nhưng chính thức về mặt pháp luật quy định ở mức độ cao như luật, hay nghị định Chính phủ thì chưa có mà do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nghề nghiệp đó đòi hỏi tổ chức phải cấp chứng chỉ hành nghề cho những người làm việc trong lĩnh vực đó.

Tôi mong thời gian sắp tới Quốc hội có thể xem xét cho ban hành luật về các hội nghề nghiệp hoặc bổ sung một số điều, một số quy định để các hội nghề nghiệp cấp được chứng chỉ hành nghề. Chúng tôi hy vọng các hội nghề nghiệp sẽ có một khoảng trời riêng để có thể tổ chức những hoạt động đem lại những lợi ích thiết thực cho các hội viên và cho xã hội.

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

Nhiệm kỳ V sắp kết thúc, chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ của chặng đường mới cho Hội sau 30 năm ra đời và phát triển. Xin ông cho biết mục tiêu, tầm nhìn cũng như giải pháp cho chặng đường phát triển tiếp theo của Hội Tự động hoá Việt Nam là gì?

Chúng tôi sẽ tổ chức Đại hội vào năm 2025, kết thúc nhiệm kỳ V và mở ra chặng đường mới cho Hội TĐHVN. Mục tiêu chính của nhiệm kỳ tới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, góp phần vào thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển cả hội viên cá nhân lẫn tập thể, nhằm nâng cao trình độ, tư duy và năng lực sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực TĐH, hướng tới "thông minh hóa" nền kinh tế.

Về giải pháp, Hội sẽ mở rộng tổ chức, từ Trung ương xuống địa phương, với mong muốn thiết lập các chi hội trực thuộc Hội Trung ương, đồng thời phát triển các chi hội chuyên ngành như doanh nghiệp tự động hoá, đào tạo, logistics, và truyền thông. Mạng lưới này sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động.

Hội cũng sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế về Đo lường, Điều khiển, Tự động hoá - một sự kiện quan trọng của Hội. Từ năm 2011, sự kiện này đã trở thành nơi quy tụ các nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kiện tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành, đồng thời nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ kiện toàn Tạp chí Tự động hoá Ngày nay, với việc đăng ký chỉ số quốc gia và quốc tế, trở thành nơi công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất. Cuối cùng, chúng tôi sẽ tập trung phát triển hội viên, bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ cao. Thông qua mạng lưới này, chúng tôi sẽ đưa các nghiên cứu từ viện, trường đến với nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hội Tự Động Hóa Việt Nam - Chặng đường mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia

Hội Tự động hoá Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội thảo "Đổi mới cách tiếp cận: Sản xuất thông minh và phát triển bền vững".