Huawei còn lâu mới có thể “lớn” được tại Mỹ

13:29, 20/06/2013

Huawei có thể là nhà sản xuất thiết bị mạng lưới lớn thứ hai trên thế giới, nhưng hãng lại gặp nhiều rào cản khi thâm nhập thị trường Mỹ.

Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, hiện đang là chủ đề tin tức “nóng” của giới truyền thông. Trước đây và ngay cả hiện tại, Huawei cũng thường xuyên xuất hiện trên những tít bài về việc chính phủ Mỹ và nhiều nước lo ngại Huawei có thể hậu thuẫn cho mục đích làm gián điệp mạng của Trung Quốc. Tuy vậy, vấn đề của Huawei hiện nay là thu hút người dùng Mỹ. Trong nhiều năm nay, Huawei đã cố gắng thâm nhập vào thị trường này bằng nhiều công nghệ khác nhau, song cuộc chiến với các nhà lập pháp Mỹ gần đây cho thấy hãng “còn lâu” mới đạt được mục tiêu.

Việc Mỹ nghi ngờ các ý định của Huawei có nghĩa hãng viễn thông Trung Quốc này có thể sẽ không bao giờ là một hãng lớn tại thị trường di động Mỹ. Sau đây là 10 lý do khiến cơ hội của Huawei tại Mỹ ngày càng tệ hơn.

1. Chính phủ Mỹ không tin tưởng Huawei

Năm ngoái, Huawei nói họ hy vọng sự có mặt của công ty tại Mỹ sẽ ngày càng lớn hơn khi tung ra các mẫu smartphone và cung cấp thiết bị mạng viễn thông cho các công ty Mỹ. Nhưng có một vấn đề: các nhà lập pháp Mỹ đã cản trở ý định này, nói họ không tin tưởng Huawei và cho rằng Huawei thiết kế các thiết bị để dễ dàng theo dõi người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Chỉ riêng trở ngại này cũng đã khiến Huawei gặp không ít lao đao.

2. Người tiêu dùng dè chừng

Thậm chí nếu Huawei cố gắng đưa smartphone của hãng vào các cửa hàng tại Mỹ, nhiều người tiêu dùng cũng sẽ không mua những thiết bị này vì lo ngại an ninh và đạo đức doanh nghiệp của Huawei. Sau khi các nhà lập pháp Mỹ liệt Huawei vào danh sách những tên tuổi phải thận trọng, nhiều người tiêu dùng có thể cũng sẽ không tin các thiết kế smartphone của hãng.

3. Khách hàng doanh nghiệp còn lo lắng hơn

Các khách hàng doanh nghiệp lại càng lo lắng hơn người dùng, sau khi Chính phủ Mỹ có những động thái không muốn các công ty viễn thông Mỹ lắp đặt các thiết bị của Huawei trong mạng lưới của họ. Người dùng doanh nghiệp sẽ lo ngại Huawei hơn về mặt an ninh và gián điệp, và nếu các nhà lập pháp đúng, thiết bị di động của Huawei cũng sẽ là một mối đe doạ.

4. Không tên tuổi rất khó thành công

Nhìn vào thị trường smartphone Mỹ, nhiều công ty hầu như không thiết lập được chỗ đứng hay sự hiện diện nào đáng kể - như Apple hay Samsung. Các hãng như LG, HTC và BlackBerry cũng là những tên tuổi đáng kính trọng, nhưng họ cũng đang thất bại tại thị trường Mỹ. Làm thế nào một công ty như Huawei có thể thành công? Cơ hội có vẻ rất ít.

5. Nhà mạng ngại hợp tác với Huawei

Các nhà mạng vẫn còn nhiều nghi ngại với Huawei

Nếu Huawei phân phối smartphone đến Mỹ, có vẻ nhiều nhà mạng sẽ không mặn mà lắm. Hiện tại họ đã có nhiều thiết bị để cung cấp cho khách hàng. Tại sao họ lại muốn dây dưa vào một sản phẩm có thể mang lại nhiều nỗi lo về an ninh quốc gia. Vì thế, có thể không nhà mạng nào hợp tác với Huawei để phân phối thiết bị của hãng.

6. Khách hàng tốt nhất của Huawei đang rời bỏ họ

Đừng quên Huawei không chỉ thiết kế mỗi smartphone. Thực ra, ngành kinh doanh chính của Huawei là thiết bị viễn thông. Giờ đây, khách hàng lớn nhất của Huawei tại Mỹ, công ty Level 3 Communications, được đưa tin là đang tìm kiếm nhà cung cấp khác. Nếu khách hàng tốt nhất của Huawei tại Mỹ ra đi, còn ai nghĩ Huawei sẽ thành công trên mảng thị trường viễn thông?

7. Smartphone chưa có gì đột phá

Smartphone của Huawei chắc có những tính năng nổi bật, đang khen ngợi khi đặt chúng vào nhóm các thiết bị tầm trung, nhưng để nói Huawei là nhà cạnh tranh thực sự của Apple và Samsung trên toàn cầu thì có vẻ buồn cười. Hiện nay, các thiết bị của Huawei đã chứng tỏ được sự vững vàng và thu hút, nhưng vẫn chưa có tính đột phá. Cho đến khi có gì đó đột phá, nếu không Huawei sẽ không có “cơ” nào để thành công.


Mẫu điện thoại Ascend P6 mới ra của Huawei

8. Mô hình kinh doanh kiểu “tất cả trong một” của Huawei không phù hợp tại Mỹ

Thành công của Huawei đạt được một phần lớn nhờ khả năng phân phối dòng sản phẩm đầy đủ từ đầu đến cuối của Huawei trên toàn cầu. Điều này có nghĩa công ty đang cung cấp mọi thứ từ smartphone đến công nghệ mạng mà điện thoại sẽ kết nối vào. Tại Mỹ, việc kiểm soát toàn bộ môi trường điện thoại như vậy sẽ không phù hợp với các nhà quản lý, và mô hình kinh doanh của Huawei sẽ không khả thi tại Mỹ.

9. Chưa chứng tỏ thành công trên các thị trường thế giới

Mặc dù cố gắng mở rộng hoạt động smartphone ra ngoài Trung Quốc và châu Á, song nỗ lực của Huawei vẫn chưa chứng tỏ đơm hoa kết trái. Huawei thực sự đáng nể tại Trung Quốc, nhưng ở trên thế giới, họ vẫn chưa chứng minh là đã hiểu các khách hàng phương Tây. Huawei chưa chứng minh có khả năng thu hút người dùng ngay cả khi ho có cơ hội cạnh tranh tại Mỹ.

10. Không ai biết chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì với Huawei

Còn một vấn đề nữa đáng được xem xét, là chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với việc Huawei cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ, và cách công ty đối phó với các nhà lập pháp. Như chúng ta đã thấy, chính phủ Trung Quốc có một sức mạnh nhất định với các công ty Trung Quốc. Tuy vậy, bất kỳ liên quan nào với chính phủ Trung Quốc cũng khiến Huawei gặp khó khăn ở nước ngoài. Bởi vì Trung Quốc có vẻ rất quan tâm đến Mỹ, nên có thể các chính phủ sẽ rất quan tâm đến Huawei. Nói cách khác, Huawei có quá nhiều rủi ro và không ai muốn dính dáng vào để phòng khi bị liên luỵ.

Mai Vũ