Huế và VINASA ký hợp tác về phát triển kinh tế số
Mới đây, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản hợp tác trong các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2022-2025.
Đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi ký kết biên bản hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 (Vietnam – Asia DX Summit 2022) khai mạc hôm nay tại Hà Nội. Ảnh: Nguồn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc ký kết được thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 (Vietnam – Asia DX Summit 2022) khai mạc hôm nay tại Hà Nội. Diễn ra trong 2 ngày với 18 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm chuyển đổi số, sự kiện thu hút hơn 2.500 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự cùng hơn 10.000 lượt theo dõi trực tuyến.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai bên là phối hợp tổ chức các hoạt động phát triển doanh nghiệp số tại Thừa Thiên Huế. Cụ thể là kêu gọi các doanh nghiệp CNTT trong nước (đặc biệt là các doanh nghiệp hội viên của VINASA) và quốc tế vào đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Khu CNTT tập trung thuộc chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tại Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, hai bên tổ chức xúc tiến đầu tư về CNTT-TT đối với các thị trường mà VINASA có tiềm năng. Dự kiến mỗi năm có ít nhất một cuộc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế hoặc ở nước ngoài bên cạnh tổ chức các chương trình giới thiệu các sản phẩm giải pháp của doanh nghiệp CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế tại các sự kiện lớn trong nước và quốc tế.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đầu năm nay phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế tại Khu B – đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.
Dự án này có chi phí (chưa kể giải phóng mặt bằng) là hơn 3.400 tỉ đồng do Công ty Smart Media City (Hàn Quốc) đầu tư.
Theo quy hoạch, dự án có diện tích 39,6 ha, thu hút 5.000 chuyên gia và nhân viên. Khi hình thành, đây sẽ là khu công nghệ thông tin và truyền thông đầu tiên tại Huế, tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học… đô thị xanh, đô thị thông minh.
Dự án này cũng là tiền đề để Huế thành lập một công viên phần mềm trở thành thành viên của chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung.
Bên cạnh lĩnh vực đầu tư, Thừa Thiên Huế và VINASA cũng sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số cho tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các hoạt động như tổ chức các khoá đào tạo, tọa đàm, hội nghị, hội thảo…
VINASA tham gia vào các hoạt động tư vấn, đánh giá phản biện các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số của Thừa Thiên Huế.
Tổ chức đào tạo, tập huấn phổ biến thông tin, kết nối cung cầu về chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh, công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo – AI, Blockchain, IoT, AR/VR…) cho các đối tượng phù hợp từng chuyên đề trong các doanh nghiệp số và cơ quan nhà nước tại Thừa Thiên Huế cũng sẽ được thực hiện. Qua đó, Huế thu hút và tạo động lực thúc đẩy nguồn nhân lực CNTT có chất lượng nhằm đạt 10.000 nhân lực CNTT vào năm 2025.
Minh Thuỳ (T/h)