Hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.
Thông tư quy định rõ nội dung hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững về tư vấn, công nghệ và xúc tiến thương mại.
Theo đó, hỗ trợ về tư vấn gồm: Tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ; tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn giải pháp chuyển đổi số; tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quy định; tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới; tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; tư vấn tìm kiếm thông tin, truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 11, Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư; tư vấn về nhân sự, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ, tư vấn xây dựng chiến lược, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh doanh bền vững và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp: thực hiện hỗ trợ theo định mức quy định đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Hỗ trợ công nghệ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ về công nghệ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Hỗ trợ kiểm định, hiệu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm kinh doanh bền vững (bao gồm thử nghiệm sản phẩm mới), hoàn thiện sản phẩm (bao gồm hoàn thiện sản phẩm mới), mô hình kinh doanh bền vững; Hỗ trợ chi phí, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng;
Hỗ trợ chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường;
Hỗ trợ chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; Hỗ trợ chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ; Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số.
Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và được hỗ trợ theo nội dung và định mức tương ứng quy định tại Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP như sau:
Hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2024.
Theo Báo điện tử Chính phủ