Hướng tới châu Á – nhân tố giúp doanh nghiệp Việt phát triển

18:32, 11/07/2017

Trong những năm gần đây, phương thức sản xuất và nhân công giá rẻ chính là điểm đặc biệt giúp thúc đẩy nền kinh tế châu Á phát triển.


Ông Daryl Tay, Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam

Giờ đây, một nhân tố mới vừa xuất hiện hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa. Đó là sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu tại châu Á – góp phần tạo ra một thị trường chưa được khai thác tiềm năng cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã dự đoán rằng tầng lớp trung lưu tại châu Á sẽ đạt 3,3 tỉ người vào năm 2030. Điều này có thể sẽ dẫn đến “hiệu ứng tầng lớp trung lưu”, một hiện tượng xảy ra khi quy mô của giai cấp này tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Hay nói đơn giản hơn, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế châu Á.

Mức tiêu dùng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương so với toàn thế giới được dự đoán sẽ tăng từ 27% vào năm 2016 lên 39% vào năm 2035. Hay nói cách khác, vào năm 2035, cứ mỗi 10 người tiêu dùng thì 4 người sẽ là người châu Á. Các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc sự phát triển của nhóm người tiêu dùng châu Á này khi hoạch địch các chiến lược kinh doanh dài hạn.

Trong khoảng từ năm 2011 đến 2015, ngoài Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì ngay tiếp sau là 4 thị trường lớn: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông. Nếu phân tích vào các mặt hàng chính thường được xuất khẩu sang các thị trường châu Á này, những mặt hàng liên tục đứng đầu danh sách chính là: hàng tiêu dùng, máy móc và hàng hiện tử. Đặc biệt, đối với trường hợp “người khổng lồ” Trung Quốc, là các loại hàng hóa trung gian (hàng hóa bán thành phẩm hoặc nguyên phụ liệu, chứ không phải để cho tiêu dùng cuối cùng).

Các mặt hàng xuất khẩu này là dấu hiệu của một thị trường đang trưởng thành. Để nắm bắt được những lợi ích thương mại của sự phát triển này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần định vị nhu cầu của thị thường đa dạng tại châu Á, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do đang hiện hành với các nước trong khối ASEAN và khu vực Đông Á.

Ưu tiên hóa tính hiệu quả của chuỗi cung ứng

Trong nghiên cứu “Sản xuất tại Trung Quốc 2.0” gần đây được đặt hàng bởi UPS, 82% người mua sắm Trung Quốc được khảo sát chia sẻ rằng họ nhìn nhận những nhà sản xuất hay nhà cung ứng với quy trình phân phối nhanh và hiệu quả hơn là những đơn vị có khả năng cạnh tranh cao hơn. Với nhận thức ngày một nâng cao rằng chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ đẩy mạnh doanh số và nâng cao trải nghiêm khách hàng, các doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc giờ đây không chỉ cạnh tranh trực tiếp về giá cả nữa.

Do đó, để được các doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn làm nhà cung cấp, các nhà sản xuất Việt Nam không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc cải tiến công tác phân phối. Cụ thể hơn, những nhà sản xuất trong lĩnh vực điện tử, ô tô và công nghệ cao sẽ bắt buộc phải tối ưu hóa chuỗi cung ứng để bắt kịp với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường này, vốn thay đổi không ngừng và phụ thuộc vào nhu cầu luôn biến động của người tiêu dùng.

Một phương thức để giúp các nhà sản xuất Việt Nam đạt được hiệu quả trong chuỗi cung ứng là tổ chức những phiên họp chiến lược cùng đối tác giao vận. Quy trình này sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận được những cơ hội giảm bớt chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xác định được các vấn đề cốt yếu cần giải quyết. Ví dụ, trong một buổi họp, các nhà sản xuất có thể phát hiện rằng những chuyến hàng ít khẩn cấp hơn sẽ phù hợp với các dịch vụ vận chuyển chậm và rẻ hơn, từ đó tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, các thay đổi trong khâu cung ứng sẽ giúp giảm thiểu chi phí nội bộ và tăng lãi suất cho doanh nghiệp.

Xây dựng trải nghiệm khách hàng với tính tương tác cao, từ khâu đặt hàng đến giao hàng

Hiện nay, đơn vị mua hàng chuyên nghiệp thường tìm kiếm những đối tác sản xuất và nhà phân phối có khả năng cung cấp trải nghiệm mua bán đa kênh liền mạch – một mô hình tương tự như các thương hiệu hàng tiêu dùng đang áp dụng. Một trải nghiệm mua bán đa kênh liền mạch cho phép khách hàng tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh, ví dụ như qua website của nhà sản xuất, các tệp sách quảng cáo (brochure) hay thông qua nhân viên bán hàng.

Theo “Khảo sát của UPS về động lực mua bán công nghiệp”, các đơn vị mua hàng chuyên nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thường phàn nàn về vấn đề khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chi tiết về sản phẩm (46%), và trong việc tìm câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến sản phẩm (41%). Nhằm đảm bảo tăng lượng đơn hàng và thu hút được các đối tác mua trung thành, nhà sản xuất và phân phối cần cung cấp thông tin về sản phẩm một cách chi tiết, rõ ràng và dễ thấy; bên cạnh đó sử dụng hình ảnh chất lượng cao cho cả kênh trực tuyến và tại các điểm bán trực tiếp.

Một nghiên cứu tương tự cũng xác nhận tầm quan trọng của chuỗi cung ứng hiệu quả và vai trò quan trọng của công tác cung ứng trong xây dựng trải nghiệm cho khách hàng. Các đơn vị mua từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn cân nhắc tốc độ giao hàng, tính đa dạng của phương thức giao hàng và khả năng sử dụng tàu chở hàng đơn giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển. Nhưng phần lớn những yêu cầu này lại chưa được thực hiện một cách thỏa đáng.

Các nhà sản xuất và phân phối cần cung cấp những phương thức vận chuyển phù hợp nhất với yêu cầu của người mua; đồng thời cần cập nhật cho khách hàng thường xuyên và chính xác. Một công ty vận chuyển có thể đóng vai trò như công ty vạn năng nhờ khả năng cung cấp nhiều phương thức vận chuyển đa dạng, quản lí việc giao hàng dựa trên lịch trình cụ thể, xử lí tài liệu, điều phối thủ tục hải quan và gửi cập nhật kịp thời cho bên nhận. Kết hợp với đối tác vận chuyển đảm nhận được tất cả những dịch vụ này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vừa thoả mãn được khách hàng, vừa có thể tập trung vào dịch vụ kinh doanh cốt lõi của mình.

Bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các kênh mua bán điện tử

Công nghệ hiện nay cho phép các nhà sản xuất bán trực tiếp cho người tiêu dùng, thay vì chỉ bán sỉ cho các bên phân phối. Tính đa dạng hóa của các kênh bán hàng tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất, giúp họ ít bị phụ thuộc vào một dòng lợi nhuận duy nhất. Hơn nữa, việc bán trực tiếp cho người tiêu thụ cũng đồng nghĩa với lãi suất biên cao hơn. Trào lưu bán hàng trực tiếp đã trở nên rất phổ biến đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. Như nghiên cứu “Sản xuất tại Trung Quốc 2.0” tiết lộ, 60% các công ty hàng đầu tại Trung Quốc hiện nay đang sử dụng cùng lúc 2 mô hình thương mại điện tử B2B (bán giữa các doanh nghiệp với nhau) và B2C (bán trực tiếp giữa doanh nghiệp với khách hàng).

Tuy nhiên, khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất phải luôn quan tâm đến thói quen mua hàng của đối tượng mua hàng này. Chính sách đổi trả hàng và gửi hàng miễn phí là các nhân tố quan trọng với người mua trực tuyến tại châu Á. Khảo sát “Định vị người mua hàng online của UPS” cho thấy 90% người mua hàng trực tuyến Châu Á sẽ tìm hiểu về chính sách đổi trả hàng trước khi mua, và 7 người trong số đó sẽ cân nhắc giao hàng miễn phí như một yếu tố quan trọng khi mua hàng qua mạng Internet. 

Do đó, việc các nhà sản xuất Việt Nam trao đổi với nhà cung cấp logistics là tối quan trọng để tìm ra các phương án thỏa mãn khách hàng, bằng không sẽ mạo hiểm bỏ lỡ những người mua tiềm năng vào tay đối thủ.

Kết

Trong khi người tiêu dùng châu Á đang ngày càng hiểu biết, các nhà sản xuất Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng và công cụ cần thiết để trở nên khác biệt. Thông qua việc cải tiến chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có thể rời xa cuộc cạnh tranh về giá và tiến đến mục tiêu kiến tạo giá trị, cùng lúc thu hút nhiều hơn các khách hàng châu Á để phục vụ cho mục tiêu lợi nhuận dài hạn của mình.

Daryl Tay (Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam)