Lựa chọn đối tác để đưa điện toán đám mây vào doanh nghiệp

10:04, 01/08/2016

Các quy trình CNTT thường rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, như tiến hành đánh giá đơn vị cung cấp và triển khai chứng minh khái niệm (proof of concept).


Chris Chelliah, Phó chủ tịch và Kiến trúc sư trưởng, Công nghệ lõi và điện toán đám mây, Oracle châu Á - Thái Bình Dương. 

Một trong những lợi ích hấp dẫn nhất của điện toán đám mây là tốc độ thiết lập và triển khai dịch vụ nhanh chóng. 

Lựa chọn đối tác phù hợp để tối ưu hiệu quả

Việc lựa chọn và quản lý mối quan hệ tiếp theo cần phải được cân nhắc cẩn thận. Đầu tiên, quá trình triển khai công nghệ điện toán đám mây cần được thực hiện thật khéo léo, vừa giúp hỗ trợ các công việc kinh doanh và hệ thống hiện hành, lại vừa chuyển đổi được theo những phương thức làm việc mới.  

Nếu doanh nghiệp tích hợp công nghệ điện toán đám mây mà không chú ý đến những tính năng hiện có trong doanh nghiệp, cũng như cách thức tương tác của dịch vụ mới với hệ thống hiện hành, thì lợi ích và tính năng linh hoạt của điện toán đám mây sẽ không được tận dụng tối đa.

Việc tích hợp một công nghệ mới lúc nào cũng cần thời gian, và sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác, nhằm đảm bảo khả năng vận hành của từng tính năng. Còn việc chuyển giao toàn bộ quá trình – từ hệ thống dữ liệu, tải công việc và các ứng dụng tương ứng – cho một nhà cung cấp mới lại khá phức tạp.

Một yếu tố quan trọng nữa các doanh nghiệp cần lưu ý khi lựa chọn đối tác là phải đảm bảo nhà cung cấp điện toán đám mây đó có khả năng hỗ trợ đầy đủ mọi dịch vụ khác nhau phù hợp với tất cả tầng mô hình điện toán đám mây: từ cơ sở hạ tầng, nền tảng đến các phần mềm.

Thông thường, doanh nghiệp sẽ triển khai một ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây trước, và sau khi thành công mới dần chuyển đổi các ứng dụng khác. Do quy trình kinh doanh, các ứng dụng này cần tương tác chặt chẽ với nhau; bởi vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp một danh mục sản phẩm tương thích và tích hợp toàn diện sẽ có lợi hơn.

Doanh nghiệp cũng nên mở rộng và tinh chỉnh những ứng dụng trên điện toán đám mây hiện đang sử dụng. Bởi ban đầu, doanh nghiệp có thể chỉ cần hệ thống máy tính và lưu trữ (thuộc mảng cơ sở hạ tầng), nhưng sau đó lại cần thêm các tính năng mới (thuộc mảng nền tảng). Vì vậy, hợp tác với một nhà cung cấp duy nhất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chắp vá các công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời giúp quá trình quản lý trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Thực tế, công nghệ điện toán đám mây vẫn đang trong những giai đoạn phát triển đầu tiên. Do đó, cùng lúc với việc thị trường trở nên ổn định hơn trong vòng 5 năm tới, vị thế của các nhà cung cấp điện toán đám mây cũng sẽ được củng cố. Bởi vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc hợp tác lâu dài với một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Tương tự như mối quan hệ giữa con người với con người, việc lựa chọn được một đối tác cung cấp dịch vụ điện toán dám mây phù hợp đòi hỏi những nỗ lực hợp tác và thời gian tìm hiểu nhất định, nhằm đảm bảo cam kết phát triển lâu dài. 

Nếu dành thời gian và nỗ lực khi lựa chọn đối tác, doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong việc tạo dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững.

telecomit.vn theo tapchibcvt.gov.vn