Indonesia lập lực lượng đặc nhiệm bảo vệ trẻ em dùng Internet quá mức

08:57, 04/02/2025

Indonesia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách nhằm tăng cường các quy định trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các mối đe dọa trực tuyến.

Động thái này diễn ra sau những mối lo ngại ngày càng tăng về việc trẻ vị thành niên tiếp xúc với nội dung có hại, nguy cơ khai thác trực tuyến và nghiện mạng xã hội (MXH).

Tổng thống Indonesia: Trong hai tháng phải hoàn tất quy định bảo vệ trẻ em trên MXH

Theo đó, ngày 2/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Các vấn đề Kỹ thuật số (Komdigi) Meutya Hafid đã ký sắc lệnh thành lập lực lượng đặc nhiệm gồm nhiều bên để xây dựng các biện pháp quản lý nhằm hạn chế trẻ em sử dụng MXH và đối phó với các mối nguy hiểm trên môi trường số. Nhóm này, bắt đầu hoạt động vào ngày 3/2, bao gồm đại diện từ các bộ ngành, tổ chức bảo vệ trẻ em, học viện và chuyên gia tâm lý.

Bộ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Meutya Hafid phát biểu trong buổi họp báo tại Jakarta ngày 2/2/2025. Ảnh: ANTARA

Bộ trưởng Hafid nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là đưa ra quy định về độ tuổi sử dụng MXH nhằm ngăn trẻ vị thành niên tiếp cận nội dung không phù hợp, đặc biệt là nội dung khiêu dâm.

Hơn nữa, lực lượng đặc nhiệm mới thành lập cũng sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức của trẻ em và phụ huynh về những rủi ro khi sử dụng nền tảng số và có hành động cứng rắn đối với những người phát tán các nội dung có hại cho trẻ em trên không gian số.

Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin của Indonesia đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến này, đồng thời cảnh báo về những rủi ro về nhận thức và cảm xúc từ việc sử dụng MXH quá mức. Ông cho biết nghiện kỹ thuật số có thể cản trở sự phát triển của trẻ, gây ra tình trạng chậm nói và dẫn đến các vấn đề hành vi như bắt nạt trên mạng.

Để đối phó với những nguy cơ này, Bộ Y tế dự kiến tích hợp hoạt động sàng lọc sức khỏe tâm thần cho trẻ em vào các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Tổng thống Prabowo Subianto của Indonesia đã đặt ra thời hạn hai tháng cho Bộ Truyền thông và Các vấn đề kỹ thuật số phải hoàn tất việc soạn thảo quy định nhằm đảm bảo an toàn hơn cho trẻ em trên MXH.

Báo cáo từ Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) cho thấy Indonesia đứng thứ tư trên toàn cầu về mức độ tiếp cận nội dung khiêu dâm, với hơn năm triệu trường hợp liên quan đến khiêu dâm trẻ em trong 4 năm qua.

Ngoài khiêu dâm, lực lượng đặc nhiệm sẽ giải quyết các vấn nạn cờ bạc trực tuyến, bắt nạt trên mạng và bóc lột tình dục. Dữ liệu gần đây từ Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia (APJII) cho thấy mạng Internet hiện đã trở nên phổ biến rộng rãi ở quốc gia này, với 79,5% dân số trực tuyến vào năm 2024.

Đáng chú ý, hơn 87% Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 - 2012) tích cực sử dụng Internet, trong khi gần một nửa số trẻ em sinh sau năm 2013 cũng hoạt động trên mạng nhiều không kém.

Để đảm bảo cách tiếp cận phối hợp nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Hafid đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị khác của chính phủ, bao gồm Bộ Trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em (BVTE), Bộ Giáo dục và Bộ Các vấn đề tôn giáo.

Bằng cách thu hút các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chính phủ đặt mục tiêu tạo ra một quy định cân bằng giải quyết cả khía cạnh kỹ thuật và tâm lý về sự an toàn của trẻ em trong thế giới số.

Những nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra một môi trường số an toàn hơn cho trẻ em phản ánh sự công nhận ngày càng tăng về những rủi ro liên quan đến các nền tảng trực tuyến và cam kết bảo vệ thế hệ trẻ khỏi bị tổn hại, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc đảm bảo phúc lợi cho trẻ em Indonesia trong thời đại số.

Bộ trưởng Hafid cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị khác của chính phủ, bao gồm Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em, Bộ Giáo dục và Bộ các vấn đề tôn giáo.

Sáng kiến ​​của Indonesia tuân theo các biện pháp toàn cầu tương tự. Vào tháng 11, Úc đã ban hành các quy định cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và TikTok, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm tuân thủ.

Những thách thức và nỗ lực BVTE trên môi trường mạng của Indonesia

Báo cáo của ChildFund International tại Indonesia (2022) cho thấy 70,7% thanh thiếu niên từ 13 - 24 tuổi sử dụng Internet hàng ngày. Trong đó, 43,3% dành từ 1-5 giờ trực tuyến mỗi ngày, và 31,2% sử dụng từ 6 - 10 giờ. Khoảng 47% thường xuyên chia sẻ nội dung trên MXH.

Trẻ em Indonesia xem Facebook trong một cửa hàng internet ở Bali. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP/Getty Images)

ChildFund International cũng phát hiện ra rằng các ứng dụng được trẻ em và thanh thiếu niên Indonesia sử dụng nhiều nhất là WhatsApp (78,8%), TikTok (53,9%) và Instagram (49,5%).

Các hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến (OSEAC) tại Indonesia bao gồm: sản xuất, phân phối và tàng trữ nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, phát trực tiếp hành vi lạm dụng, dụ dỗ tình dục trực tuyến, tống tiền và cưỡng ép tình dục.

Sự phát triển công nghệ đã tạo điều kiện và mở rộng phạm vi của các tội phạm tình dục trực tuyến, đồng thời khiến việc khai thác trẻ em trở nên dễ dàng hơn do trẻ em có mức độ tiếp cận Internet cao và thiếu sự giám sát từ phụ huynh.

Để BVTE và thanh thiếu niên khỏi các mối đe dọa trực tuyến, Indonesia cũng đã xây dựng nhiều chính sách và quy định nhằm tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn cho giới trẻ. Tuy nhiên, theo một khảo sát trực tuyến do ChildFund và U-Report thực hiện từ ngày 22/8 - 3/9/2024, chỉ một phần trẻ em và thanh thiếu niên được khảo sát biết đến các chính sách và quy định hiện có. Nhiều người cho biết đã nghe nói về các chính sách này nhưng thiếu kiến thức chi tiết.

Các cuộc thảo luận chuyên sâu hơn với nhóm trẻ em khuyết tật cho thấy các em chưa từng nghe nói về bất kỳ chính sách nào được thiết kế để bảo vệ khỏi bạo lực và khai thác trực tuyến. Sự thiếu nhận thức này, cả từ phía công chúng lẫn trẻ em, cùng với việc thông tin chưa được phổ biến rộng rãi, có nguyên nhân từ việc tiếp cận thông tin hạn chế và không đồng đều. Bên cạnh đó, còn thiếu các nền tảng truyền thông mang tính bao hàm, đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Indonesia đã ban hành nhiều quy định nhằm BVTE khỏi các mối đe dọa trực tuyến. Luật BVTE cấm sử dụng bạo lực hoặc lừa dối để ép buộc trẻ thực hiện hành vi không đứng đắn. Bộ luật Hình sự và Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân xử lý các hành vi như quấy rối trực tuyến, công khai dữ liệu cá nhân trái phép.

Luật Phòng chống buôn bán người và Luật Phòng chống tội phạm tình dục quy định xử lý các hành vi khai thác tình dục trẻ em, bao gồm bạo lực tình dục trực tuyến. Các luật này cũng nêu rõ quyền của nạn nhân như hỗ trợ pháp lý và bảo vệ danh tính.

Dù có khung pháp lý, việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục trực tuyến gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, công nghệ, và việc chứng minh hành vi khi thủ phạm dùng tài khoản giả mạo. Các quy trình bảo vệ nạn nhân chưa cụ thể cho trường hợp lạm dụng trực tuyến. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ phụ nữ và trẻ em cùng Đơn vị tội phạm mạng hiện phối hợp với các tổ chức địa phương nhưng vẫn thiếu chuyên biệt cho các vụ việc này.

Indonesia đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số, do chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) dẫn dắt. Một sáng kiến nổi bật là Phong trào quốc gia về nhận thức số do Bộ Truyền thông và Thông tin (Kominfo) khởi xướng từ năm 2021, tập trung vào bốn trụ cột: kỹ năng số, đạo đức số, an toàn số và văn hóa số.

Kominfo cũng phát động Phong trào Siberkreasi nhằm chống tin giả và thúc đẩy nội dung tích cực, với sự tham gia của các trường học, cơ quan truyền thông và cộng đồng.

Bên cạnh đó, chương trình "1.000 startup kỹ thuật số" đã hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo số, tạo môi trường kỹ thuật số lành mạnh và bền vững cho giới trẻ. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ cũng phối hợp với Kominfo tích hợp kỹ năng và đạo đức số vào chương trình giảng dạy tại trường học.

Ngoài ra, các NGO như ChildFund International tại Indonesia và ID-COP tập trung nâng cao nhận thức cho trẻ em và phụ huynh về nguy cơ khai thác trực tuyến. Các hoạt động bao gồm chiến dịch "Internet thông minh và an toàn" với hội thảo, buổi nói chuyện và chiến dịch trực tuyến nhằm giáo dục cộng đồng về cách sử dụng internet an toàn và tránh nội dung độc hại./.