Internet toàn cầu: siết chặt hay cởi mở?
14:00, 07/03/2013
Tính đến cuối năm 2012, Internet toàn cầu đã đi được gần 30 năm và chính thức vào Việt Nam cũng được hơn 15 năm (tính từ năm 1997). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt của băng thông rộng và hạ tầng viễn thông, nội dung thông tin trên mạng khiến việc quản lý Internet toàn cầu đang đứng ở bước ngoặt trước 2 xu thế: siết chặt theo hướng “biên giới” quốc gia hoặc cởi mở theo hướng hội nhập quốc tế?
Một cuộc họp của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đầu tháng 12/2012 cho thấy những thành viên của ITU đang muốn bổ sung nhiều luật lệ mới vào bộ luật nhắm đến các vấn đề viễn thông của tổ chức này. Theo đó, nhiều nước trên thế giới biện hộ cho việc thiết lập các bộ lọc Internet (hiểu nôm na là hệ thống tường lửa, biện pháp kỹ thuật ngăn chặn Internet/thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh chính trị - PV) trên đất nước của mình. Khởi xướng xu thế này là Nga, Trung Quốc và điều đó sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trên lĩnh vực Internet vốn đang nghiêng về phía Hoa Kỳ khi nước này nắm trong tay ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tổ chức hiện đang quản lý tên miền của toàn thế giới và kiểm soát phần "trụ cột" của Internet.
Lo ngại chiến tranh mạng
Trọng tâm của hội thảo WCIT (World Conference on International Telecommunications - Hội thảo về viễn thông quốc tế năm 2012) diễn ra từ ngày 3-14/12/2012 tại Dubai (UAE) tập trung bàn luận về chủ quyền số quốc gia, nguy cơ chiến tranh mạng, an toàn an ninh thông tin khi bị nước ngoài tấn công và đặc biệt là việc có hay không việc xây dựng các bộ lọc internet… Cũng tại WCIT, ITU cập nhật, sửa đổi Bộ luật viễn thông quốc tế (International Telecommunication Regulations - ITRs) ra đời từ năm 1988 quy định một cách bao quát phương pháp mà các mạng quốc gia, quốc tế đang hoạt động.
Giống với các bộ luật khác của Liên Hợp Quốc, chỉ khi những quốc gia ký tên chấp thuận những điều khoản có bên trong thì ITR mới trở thành một điều bắt buộc. Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể ký nhưng với điều kiện "bảo lưu". Điều đó có nghĩa là nếu như Liên Hợp Quốc muốn kiểm soát Internet thì tất cả những bên liên quan phải đồng lòng. Điều này có nghĩa là, khi Internet bị kiểm soát thì rất nhiều quyền lợi của khách hàng và người dùng sẽ bị ảnh hưởng và đây chính là lý do gây tranh cãi nhất tại WCIT lần này.
Thực tế những cuộc “mặc cả” giữa các nước càng trở lên gay gắt hơn và khó dự đoán khi những thảo luận từ các bên liên quan vẫn còn nằm trong vòng bí mật và ITU cũng chỉ đăng tải lên website của mình một số thông báo ngắn liên quan đến hội thảo. Trong khi đó, giới truyền thông quốc tế chú trọng hơn vào những tài liệu được WCITLeaks đưa ra, một trang web chuyên đưa thông tin rò rỉ của ITU và được điều hành bởi hai nhà nghiên cứu ở trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason (Hoa Kỳ) tiết lộ. Tuy nhiên, những rò rỉ của WCITLeaks công bố cũng chỉ được coi là thông tin ngoài lề và không chính thức.
GS truyền thông Dwayne Winseck, Đại học Carleton ủng hộ dự định của ITU, tuy nhiên ông cho rằng ITU cần phải làm nhiều hơn nữa để trở nên minh bạch hơn với thế giới. Ông đưa ra một ví dụ đó là phí thành viên hàng năm của ITU là "thái quá", ngay cả những đại học cũng phải chi 4.000 USD/năm để được làm thành viên của tổ chức này, gần gấp ba lần so với những gì mà các tập đoàn đa quốc gia phải trả cho ICANN (Cơ quan Internet quản lý số liệu và tên miền được chuyển nhượng – một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại California, Hoa Kỳ). Nhưng điều đáng lo ngại hơn trong thế giới mạng ngày một rộng mở, nguy cơ chiến tranh mạng thực sự là vấn đề đau đầu đối với nhiều nước thiếu dân chủ hoặc vẫn muốn đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Thuế Internet và hàng rào an ninh
Trong bản kiến nghị của ITU vừa qua có 2 thông tin “rò rỉ” rất đáng chú ý đó là vấn đề đánh thuế internet và nguy cơ bị cô lập của nhiều quốc gia nếu xây dựng hàng rào an ninh mạng. Bám sát sự kiện này, tạp chí Forbes đã từng đặt ra câu hỏi "Liệu Liên Hợp Quốc có đang muốn đánh thuế Internet?". Trong khi tạp chí công nghệ hàng đầu Engadget thì đưa ra chữ "Facebook tax" để thăm dò dư luận.
Lí do 2 tạp chí hàng đầu đưa ra vấn đề tranh cãi này trước công chúng vì trước Hiệp hội các nhà mạng viễn thông Châu Âu (ETNO) muốn đưa ra một điều luật yêu cầu bổ sung cho ITU, theo đó những công ty web/mạng phải trả tiền để có thể gửi luồng dữ liệu của mình sang những quốc gia khác.
Hiểu đơn giản, tài nguyên mạng tại mỗi nước cũng là nguồn hàng hóa và nếu xuất - nhập vào một quốc gia nó cũng phải bị đánh thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, ETNO đề xuất rằng các nhà mạng "nên thương lượng bằng các thỏa thuận thương mại để đạt được một hệ thống bền vững để đền bù công bằng cho những dịch vụ viễn thông".
Ngay lập tức Tổng thư kí ITU - ông Touré đã bảo vệ ý kiến này và cho rằng đây là một biện pháp dùng để trợ giá cho Internet hoặc chi phí roaming (dịch vụ chuyển vùng điện thoại quốc tế - PV). Theo ông Touré, “Chúng ta có thể tìm cách để giảm chi phí của kết nối Internet tại các nước đang phát triển, trong khi vẫn đảm bảo đủ doanh thu cho các nhà mạng để triển khai cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng".
Bình luận về đề xuất của ETNO, CEO của Cisco - ông Robert Pepper cho rằng dự luật này có thể ảnh hưởng đến cả người nhận thông tin chứ không chỉ về phía người gửi. Theo đó các công ty công nghệ như Cisco sẽ không kí hợp đồng với những quốc gia đang phát triển mà họ nghĩ là không mang lại lợi nhuận. Kết quả cuối cùng, những nước kém phát triển sẽ bị cô lập hoàn toàn khỏi mạng Internet toàn cầu.
Đồng quan điểm với Cisco, Google và những tổ chức như Public Knowledge thì đang chiến đấu để bảo vệ net neutrality ở nhiều nơi. Bởi theo họ, Internet là thế giới đại đồng, chúng ta đã quá đủ dây thép gai và bom đạn để dựng lên những biên giới quốc gia, những rào cản kết nối những người sống trên hành tinh rồi.
Trong khi đó theo ITU, việc lọc nội dung Internet không phải là một thứ gì đó mới mẻ. Tổng thư kí ITU - ông Touré cho rằng, điều khoản số 34 của bộ luật ITU cho phép các quốc gia thành viên cắt những kết nối mà họ xem là "nguy hiểm đến sự an toàn của quốc gia hoặc đi ngược lại pháp luật, lệnh công cộng hoặc khuôn phép xã hội".
Ông Touré nhấn mạnh: "Tất cả mọi quốc gia đều đã áp dụng một số giới hạn" lên nội dung trên Internet, có thể là để chống tình trạng vi phạm bản quyền hoặc giới hạn những phát ngôn mang tính chính trị. Nếu ITU không thông qua những dự thảo của các quốc gia thành viên thì có lẽ tình trạng cấm đoán nội dung cũng không bị giảm đi.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát, giới công nghệ, giới truyền thông, các trang mạng xã hội và các nhà hoạt động dân chủ thì cực lực phản đối điều này. Bởi nếu ITU cụ thể hóa cho phép các quốc gia thiết lập những hàng rào an ninh ngăn chặn Internet thì tình trạng sẽ trở nên tệ hơn, ngay lập tức những nước có chệ độ chính trị độc tài sẽ áp đặt bộ lọc Internet. Đây hẳn sẽ là tin chẳng mấy vui vẻ với người dùng, hiểu đơn giản bạn sẽ chẳng thể truy nhập Facebook do có quá nhiều bài viết “nói xấu” nước mình hoặc không thể mua hàng trực tuyến tại nước ngoài khi công ty đó chưa làm tròn nghĩa vụ thuế của họ…
Siết chặt hay cởi mở?
Bất cứ một dự thảo nào đều có 2 phe ủng hộ và phản đối. Các nước ủng hộ là Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Sudan, Angieri và Ai Cập đã cùng nhau soạn ra một bản dự thảo yêu cầu chuyển quyền kiểm soát Internet về tay các quốc gia.
Nga là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc quốc tế hóa sự kiểm soát hệ thống tên miền, bổ sung điều khoản vào an ninh số và hô hào các nước chấp thuận bộ lọc Internet. Ngay trong năm 2012, Nga cũng đã tích hợp lưới lọc dữ liệu của riêng mình để khóa những trang web có nội dung đồi trụy liên quan đến trẻ em hoặc các website nói về ma túy.
Một đại diện khác là Trung Quốc với 1,3 tỷ dân và có số lượng người dùng Internet đứng đầu thế giới cũng hết sức ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hệ thống tên miền. Trung Quốc nổi tiếng với những động thái xây dựng tường lửa và những đợt chặn website, khóa lưu lượng truy cập tại những thời điểm nhạy cảm. Đặc biệt Trung Quốc yêu cầu ITU cần chú ý hơn đến chủ quyền an ninh số, yêu cầu ITU thêm vào bộ luật của họ quyền và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của mạng thông tin và cơ sở hạ tầng viễn thông. Tại ASEAN, quốc gia hồi giáo lớn nhất thế giới là Indonesia cũng hết sức ủng hộ chủ trương này của Trung Quốc và muốn có thêm quyền quản lý với mạng Internet nước này.
Trong khi đó phe chống cũng mạnh không kém và không muốn thế giới có thêm những hàng rào vô hình kiểm soát người dùng trên mạng. Về lập trường quốc gia, Hoa Kỳ là nước tiên phong phản đối và đầu 2012 họ đã thông qua nghị quyết chống lại sự mở rộng quyền kiểm soát của ITU. Trong khi đó, Nghị viện Châu Âu cũng ban hành nghị quyết của mình ủng hộ Mỹ cần phải cởi trói internet. Cụ thể, tất cả 27 nước thành viên EU đã bỏ phiếu chống lại ý định sự thay đổi việc kiểm soát tên miền từ ICANN sang ITU. Nghị viện Châu Âu cho rằng "không có lời lẽ biện hộ nào cho những dự thảo đó" và "nếu Internet không bị hử hỏng, đừng sửa chửa nó".
Trong khi đó các hãng công nghệ thì chả ưa gì với những từ khóa “kiểm soát”, “ngăn chặn”,“quản lý” và đi đầu phong trào phản đối chính là Google, Facebook, Yahoo…
Theo Google, công ty này đang thực hiện một cuộc vận động với khẩu hiệu “Một thế giới miễn phí và mở phụ thuộc vào một mạng Internet miễn phí và mở". Lí do Google phản đối rất dễ hiểu, Google kinh doanh dựa trên việc gửi thông tin đi khắp nơi trên thế giới ở một mức phí rẻ và với vai trò của một kẻ mới tham gia lĩnh vực viễn thông, họ không muốn phải kí kết thỏa thuận với một cơ quan luật pháp nữa.
Ngoài các công ty, các tổ chức dân chủ và nhân quyền thế giới cũng có ý kiến ủng hộ Google như các tổ chức tự do: Cato Institute, Public Knowledge, Electronic Frontier Foundation. Họ yêu cầu ITU tiếp tục tập trung vào việc phát triển các công nghệ viễn thông thay vì lập ra những hàng rào ngăn cản nó. Những tổ chức nhân quyền cho rằng ITU đang trở thành một "cơ quan cai quản", đồng thời gửi một lá thư phản đối với chữ ký của khoảng 50 tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề phe muốn kiểm soát Internet cũng có một lí do cốt tử hơn không muốn nói thẳng là hệ thống tên miền, địa chỉ IP mà thế giới đang sử dụng được quản lý bởi Trung tâm quản lý tên miền và truyền số liệu (ICANN) nằm dưới trướng Bộ Công thương Mỹ.
Chính vì điều đó, nhiều nước cảm thấy không hài lòng khi những đường liên lạc Internet của họ lại nằm trong tay Hoa Kỳ. Và các nước thành viên ITU muốn có quyền được quản lý tất cả các nguồn tài nguyên dùng cho việc đặt tên, truyền số liệu, gán địa chỉ và xác định danh tính của những dịch vụ viễn thông quốc tế bên trong lãnh thổ của mình.
Nói cách khác, các quốc gia này muốn có quyền can thiệp sâu hơn vào hệ thống DNS và các dịch vụ Internet đang hoạt động ở nước mình thay vì bị nước ngoài nhòm ngó và kiểm soát.
Hiện ITU vẫn đang đứng ở lập trường trung lập trước những tranh cãi có hay không việc kiểm soát Internet. Bởi xét cho cùng, việc siết chặt hay cởi mở Internet đang tồn tại song song thực tế trên thế giới. Với những nước dân chủ, Internet là tự do trong khi với các nước thiếu dân chủ hơn thì bị quản lý gắt gao do yêu cầu của nhà cầm quyền…
ITU - International Telecommunication Union là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (UN) được thành lập năm 1865. Với 193 quốc gia và khoảng 700 công ty, viện nghiên cứu là thành viên nên các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như đặt ra mục tiêu để phát triển nên một mạng truyền thông trên khắp toàn cầu. Trước khi Internet ra đời, ITU mặc định được quản lí hệ thống tên miền khi là thành viên của International Ad Hoc Committee (IAHC) được thành lập năm 1996, một trong những tổ chức đầu tiên quan tâm đến việc phân bổ tên miền Internet.
Tuy nhiên, IAHC đã không hoàn thành niệm vụ và đến năm 1998 Bộ thương mại Hoa Kỳ chính thức thành lập ICANN với nhiệm vụ kiểm soát hệ thống tên miền toàn cầu cho tới ngày nay. Chính vì lí do ITU hiện không kiểm soát được hệ thống tên miền toàn cầu dẫn tới bản kiến nghị của các nước đang muốn phân quyền này về các quốc gia thay vì chịu sự chi phối của ICANN như hiện nay.
Theo eFinance.vn