Khắc phục điểm nghẽn, 'tiếp sức' cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang hiện hữu, triển vọng rất tích cực, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội, triển vọng thành hiện thực cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục cơ bản điểm nghẽn, từ đó "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Tăng cả chất và lượng
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực. Ðến nay, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ôtô, xe máy…
Ðiển hình như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hiện tập trung rất nhiều doanh nghiệp cơ khí ngành điện tử như các công ty: Buykane làm ốc vít, Toho làm khuôn mẫu, Aikawa làm chi tiết kim loại dập, Standar làm các chi tiết nhôm… Các khu công nghiệp Nội Bài, Quang Minh tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ôtô, xe máy như các công ty: Fujico làm đĩa phanh xe máy, Kyoei làm khung càng đồ gá cho xe máy, Bright Sakura làm ống xả, Amstrong làm vành và nan hoa, Roki làm bầu lọc gió…
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với hơn 35% doanh nghiệp (tỷ lệ cao nhất cả nước) có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp công nghiêp hỗ trợ đang gặp áp lực về đầu ra nên phải "vật lộn" với việc đầu tư sản xuất.
Do đó, để vừa có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu vừa giữ được đơn hàng, đáp ứng về tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Một sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được trưng bày tại
Trở thành "nòng cốt" cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ðể đạt được con số này, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Vừa qua, gần 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, ký kết các hợp đồng giao dịch tại "Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2024".
Ðến với hội chợ năm nay có những cái tên nổi bật trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như NC Network, Mitutoyo, Cnctech, Tci, Eteck, Automech, Fomeco, Yamaguchi…
Các đơn vị đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Ðáng nói, tham gia chương trình còn có gần 40 đơn vị mua hàng đến từ khắp các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới theo hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến. Ðại diện các tập đoàn lớn như Samsung, Tiger, Electronics, TOTO, FUJI FILM… đã đến để tìm kiếm những đối tác, doanh nghiệp có thể hợp tác, sản xuất các sản phẩm, linh kiện phụ trợ đáp ứng yêu cầu.
Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam Yasuo Uchihara cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40.000 hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Các doanh nghiệp đến hội chợ lần này có cơ hội gặp gỡ và giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra những cơ hội đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ bên lề hội chợ, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng cho hay, tình hình doanh thu và nhu cầu thị trường cuối năm 2024 đang có nhiều cải thiện, trong đó công ty đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các hiệp hội ngành nghề để có thể hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và đối tác.
Đặc biệt, là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thép không gỉ cho ngành trang trí nội ngoại thất trung và cao cấp, thang máy... các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, thuế phí cũng đã có nhiều cải tiến tích cực, hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc kinh doanh.
Các doanh nghiệp trong ngành cùng chung mong muốn trong thời gian tới, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Chính phủ và Hà Nội cũng sẽ có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trở thành "nòng cốt" cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đây là hội chợ quy mô lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ, được thành phố Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Thông qua chương trình, Thành phố mong muốn tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và toàn ngành công nghiệp của thành phố Hà Nội nói chung quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết- cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, Hà Nội đã tổ chức động thổ, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thành phố tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế. Trong đó, thành phố chú trọng kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước có ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, điện-điện tử, công nghệ thông tin… để thu hút hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Các doanh nghiệp cũng mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà các bên là thành viên.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh, với những bước phát triển nhanh chóng như vậy, Hà Nội có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như kế hoạch đề ra.
Trong đó, có 40% số doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Lực lượng này góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.
Có thể thấy, việc kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và "kèm cặp" để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này đặt hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho họ, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có cơ hội trực tiếp len chân vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.