Cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

13:18, 10/06/2024

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những chủ trương quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong định hướng phát triển công nghiệp những thập kỷ tới. Thời gian qua, dù nhận được nhiều hỗ trợ chính sách và cũng đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng hoạt động của ngành này vẫn tồn tại nhiều hạn chế...

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, phiên chất vấn nhóm lĩnh vực công thương diễn ra vào chiều ngày 4/6 và sáng 5/6. Đây cũng là một trong những chủ đề nóng nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội.

Mất thị phần trước làn sóng từ nước ngoài

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ trăn trở về làn sóng “đổ bộ” của công nghiệp hỗ trợ từ nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh.

Theo bà Ngân, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Tuy nhiên, năm 2023, sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng khi doanh thu đi xuống, mất đơn hàng ở nhiều thị trường và đối mặt hai nút thắt lớn về vốn và chi phí. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với làn sóng “đổ bộ” của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài.

“Điều này cho thấy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là các nhà sản xuất FDI ở Việt Nam đã bị các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài vượt mặt và chiếm thị phần ngay trên sân nhà”, đại biểu Ngân đánh giá và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chất vấn cho biết các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Trong khi đó, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ lý do vì sao thời gian qua việc triển khai các chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là phục vụ trong chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn, còn hạn chế. “Việc để xảy ra hạn chế này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hay của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp trong thời gian sắp tới”, đại biểu Quân đặt câu hỏi.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) mong muốn trưởng ngành công thương nêu rõ các kết quả của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2006-2025 mà Chính phủ đã ban hành và những giải pháp để ngành công nghiệp hỗ trợ từ nay đến năm 2025 đạt mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa.

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ vừa ít, vừa chồng chéo

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định và triển khai thực hiện các giải pháp, đạt được một số kết quả.

Cụ thể, lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt 50%, cơ khí đạt hơn 30%. Bộ trưởng cho biết: “Công nghiệp hỗ trợ đang từng bước nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào mạng lưới sản xuất cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam”.

Về công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết hiện trên 90% số máy trong nông nghiệp, nhất là máy xay xát lúa và đánh bóng gạo, máy sấy do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng, đồng thời đã xuất khẩu đi rất nhiều thị trường khu vực ASEAN, châu Mỹ và châu Phi. Ngoài ra, còn nhiều dây chuyền thiết bị trong việc chế biến các sản phẩm cây có hạt có thương hiệu. Một số sản phẩm đang được cung ứng cho các nhà máy cơ khí, nhất là sản xuất ôtô trong Vinfast, THACO...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. “Nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa rất khó tiếp cận, vừa chồng chéo với nhau. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, một hạn chế trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam là chưa ràng buộc và cũng chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước.

“Trên thực tế, để đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí cần rất nhiều tiền và cũng cần phải có một trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định mới dám bước vào một lĩnh vực mà các nước, nhất là những nước phát triển, đã đi trước chúng ta rất xa”, Bộ trưởng chỉ rõ. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn còn hạn chế trong công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp. Việc phối hợp thực hiện chính sách giữa Trung ương với địa phương chưa thật hiệu quả.

"Để dành lại thị phần cho doanh nghiệp trong nước, cần rà soát lại hệ thống pháp luật để cơ chế, chính sách đã được ban hành phải đi vào cuộc sống, doanh nghiệp có thể hấp thụ và từ đó lớn lên" - Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Phải sửa luật để giành lại thị phần

Về cạnh tranh với đối thủ công nghiệp hỗ trợ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra thực tế là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam luôn muốn hợp tác với những doanh nghiệp hỗ trợ cùng hệ với mình.

“Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và môi trường, có giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta sức khỏe còn yếu và dù có cơ chế hỗ trợ nhưng không thể tiếp cận được. Đây là một vấn đề, một thách thức chúng ta cần phải tính”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ.

Để dành lại thị phần cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng cho rằng cần rà soát lại hệ thống pháp luật để cơ chế, chính sách đã được ban hành phải đi vào cuộc sống, doanh nghiệp có thể hấp thụ và từ đó lớn lên.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải dành điều kiện thuận lợi nhất có thể để giúp cho những doanh nghiệp này có mặt bằng, hạ tầng và sự hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nhân lực… Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải sửa đổi lại Luật Đầu tư nước ngoài và một số luật có liên quan để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó phải có cơ chế ràng buộc chứ không phải khuyến khích việc hợp tác với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Về các chính sách thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đó là những ngành tạm coi là nền tảng của ngành công nghiệp Việt Nam và cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này, triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương và một số trường nghề ở trong ngành lao động cũng như là ngành giáo dục.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035. Trong đó, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ôtô, cơ khí và tự động hóa công nghệ cao dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/can-hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro.htm