Khâm phục ý chí học trực tuyến của học sinh vùng cao

Minh Hà 08:31, 12/04/2020

Vừa chăn bò vừa học, đi bộ vài km lên đỉnh núi hứng sóng viễn thông để học, dựng lều giữa rừng, trèo lên cây, leo vách đá hứng sóng để học, thậm chí lên thị trấn ở trọ để có mạng internet học trực tuyến… Đó chỉ là một vài hoàn cảnh “éo le” trong muôn vàn khó khăn của học sinh vùng cao khi học trực tuyến giữa đại dịch Covid-19 để theo đuổi con chữ.

Xúc động tâm thư của cô bé dân tộc Thái “khát chữ”

Cô bé Lường Thị Thắm, người dân tộc Thái, sinh ra ở xã vùng cao nghèo khó, Bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Nhà có 2 chị em, vì nghèo khó nên người em trai phải nghỉ học sớm đi làm thuê cùng bố để nhường giấc mơ học tập cho chị. Thắm luôn tự nhủ mình phải cố gắng học hành gấp đôi để học cho cả em trai mình, thay em trai viết tiếp giấc mơ học tập của cả hai chị em. Có những thời điểm khó khăn khi em bị ốm phải nghỉ học điều trị 1 năm trời nhưng cô gái bé nhỏ không chùn bước để chinh phục con chữ. Hiện đang là học sinh lớp D2K45 trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung Ương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhà trường cho học sinh nghỉ học từ tết âm lịch vẫn chưa thể tiếp tục học trở lại. Cô bé mong ngóng được đi học từng ngày vì sợ “quên kiến thức”. Khi được nhà trường thông báo sẽ học trực tuyến Thắm rất vui sẽ được học trở lại. Nhưng niềm vui không được lâu khi nhiều khó khăn trở ngại đến với em khi chuẩn bị điều kiện học trực tuyến. Thắm đã viết một bức thư gửi lên nhóm của lớp để kể về hoàn cảnh khó khăn, hướng khắc phục của mình và động viên các bạn cùng cố gắng để chinh phục kiến thức.

Em Lường Thị Thắm ngồi học trên mỏm đá quen thuộc

Em viết trong thư: “Nghỉ dài ngày thì sợ mất hụt kiến thức nhưng chẳng thể cho học sinh, sinh viên đến trường, đến lớp. Nên Đảng và Nhà nước đã đưa ra hướng giải quyết đó là học online. Sóng điện thoại ở một số nơi thì yếu, đáng buồn hơn là còn không có vạch sóng nào để liên lạc. Nghe tin học online vừa mừng lại vừa lo lắng.” 

Em nói đến việc thiếu thiết bị học tập, không có kết nối internet thuận lợi: “Việc thực hiện học online đối với học sinh, sinh viên cả nước là một việc tốt. Chỉ có điều đối với học sinh miền núi, laptop căn bản ít bạn có, điện thoại cấu hình thấp, 4G và wifi căn bản càng không. Chỉ một số nơi là sóng 4G tương đối ổn định.”

Dù khó khăn như thế nào đi chăng nữa Thắm chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ việc học. Để có thể theo đuổi con chữ trực tuyến nhiều giải pháp tưởng chừng như chuyện đùa đã được đưa ra:“Câu chuyện bắt đầu từ đây, có bạn phải chạy khắp nơi có sóng tốt để học, có bạn phải leo lên cây, rồi lên đồi để học. Học sinh, sinh viên miền núi chúng mình ở quê vừa phải phụ giúp gia đình và tranh thủ để học. Dù khó khăn như thế nào đi chăng nữa chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ việc học cả. Ngay cả bản thân mình cũng vậy, mình biết còn nhiều bạn khó khăn và vất vả hơn mình nữa. Mình ngày phải leo đồi 1, 2 cây số để đến mỏm đá quen thuộc, nơi có mạng ổn định để học cùng các bạn. May mắn thay tớ học nhóm 2 ca 2 nên cũng đỡ rất nhiều, trong lúc chờ học có thể làm xong mọi việc. Nhưng cũng vấp ở chỗ học muộn, vừa học vừa phải chạy về nấu cơm cho mẹ, ở nhà còn rất nhiều việc phải phụ giúp bố mẹ. Bố mình đi làm thuê nên không ở nhà, mẹ mình lo việc đồng áng và làm vườn. Còn mình thì đi chăn bò cho bác và chăn luôn 2 con bò to bự của nhà mình nữa. Vừa học vừa cắt cỏ bò, đuổi bò lên núi xa để có sóng ổn định và học luôn.”


Bức thư xúc động của em Thắm viết giữa rừng núi gửi cho các bạn của mình

Cũng có những tai nạn xảy ra như:“Nhiều khi vừa phải cắt cỏ bò vừa học, vừa nhặt ốc cho vịt vừa học, mải nghe thầy cô giảng có lúc lưỡi liềm cắt cả vào tay, đau mà vẫn cười được, rồi vừa đi đuổi bò trên đồi không nhìn đường mà vấp ngã đến xước cả chân, tay nhưng mà vẫn vui.”

Đôi khi học sinh cũng đi học muộn vì mất sóng điện thoại:“Cũng có vài lần vì mất mạng và mạng yếu mà tớ chễ giờ học, lúc đó rất sợ bị thầy cô mắng. Nhưng với sự thấu hiểu mọi hoàn cảnh của học sinh thầy cô đã chu đáo và ân cần đến giờ chẳng còn sợ nữa.”

Thắm cũng cho biết rất hào hứng với những bài giảng trực tuyến:“Những bài giảng online luôn được thầy cô truyền tải một cách ngắn gọn và dễ hiểu. Tuy rằng khó khăn vì dạy ở xa nhưng tinh thần học tập của các bạn luôn được giữ vững, các bạn tới lớp đầy đủ.”

Cuối bức thư, cô học trò nhỏ bé nói lên những tình cảm, niềm tự hào về đất nước Việt Nam đầy xúc động. Thể hiện sự trưởng thành và trách nhiệm của công dân với Đất nước: “Đất nước con người Việt Nam ta tuy nhỏ bé nhưng ý chí chưa bao giờ nhỏ bé cả. Dù khó khăn ra sao Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn có hướng giải quyết tốt nhất. Mình muốn nói với các bạn rằng. Dù khó khăn đến đâu hãy luôn vững lòng, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Không có ai và ít ai là xuất phát điểm đã là đích, đừng đẩy mọi trách nhiệm cho hoàn cảnh. Chúng ta cùng đoàn kết và cố gắng để ngày mai tươi sáng hơn, rồi một ngày gần nhất khi dịch kia được đẩy lùi chúng ta sẽ được trở lại bình thường thôi.”

Tinh thần vượt khó chinh phục con chữ của Thầy và Trò vùng cao

Liên hệ với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung Ương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi học sinh Lường Thị Thắm đang theo học chúng tôi được biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với từng tình huống có thể xảy ra. Để đảm bảo thực hiện nội dung chương trình kế hoạch năm học, nhà trường đã rất khẩn trương tổ chức thực hiện việc dạy học từ xa cho học sinh dưới 3 hình thức: Giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu của Nhà trường; giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.

Nhà trường cũng gặp một số khó khăn khi dạy học trực tuyến như: học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở miền núi nơi sóng điện thoại yếu, có nơi không có internet, nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại cấu hình thấp… cũng cản trở đến việc học từ xa. Chính vì vậy những hoàn cảnh như em Thắm không phải là hy hữu ở nhà trường.

Học sinh Thào A Thái, Dân tộc Mông, quê ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Nơi em sống không có sóng 3G, 4G phải lên thị trấn Bắc Yên thuê nhà trọ để học trực tuyến.

Em Lê Văn Lâm, ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Gia đình rất khó khăn. Điện thoại của em cấu hình thấp không vào được phần mềm Office 365 nên em phải học theo hình thức: Thầy cô giáo gửi tài liệu cho em qua Messenger, hướng dẫn em tự học qua điện thoại để em làm các bài kiểm tra qua Shub Classroom. Em luôn cố gắng hoàn thành các bài tập không những sớm mà chất lượng rất tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung Ương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: Nhà trường quyết tâm thực hiện mục tiêu không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau, dù điều kiện học tập của các em có khó khăn đến đâu. Sau 2 tuần triển khai dạy học từ xa, kết quả đã thành công trong việc xây dựng 305 modun hướng dẫn học sinh tự học, 594 tiết giảng, 297 video hỗ trợ học sinh tự học được ghi lại, 100% học sinh tiếp cận tốt với phương pháp dạy học. Mỗi ngày thực hiện 2 ca học sáng và chiều, mỗi ca học tương ứng với 02 tiết học. Học sinh được kiểm tra đánh giá thông qua 3 bài kiểm tra và được công nhận kết quả học tập.

Hiện Nhà trường đang sử dụng sử dụng phần mềm Office 365 Education, Shub Classroom, Quizizz, Facebook, Messenger, Zalo... để dạy học trực tuyến chất lượng khá ổn định.

         Học sinh làm nán trên đồi để hứng sóng học

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô giáo Hà Thu Hương, giáo viên bộ môn Ngữ Văn cho biết: Lần đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến còn rất nhiều bỡ ngỡ. Sau 1 tuần được tổ tin hướng dẫn tận tình, tôi đã cơ bản thực hành được các thao tác khi tạo lập lớp học, các kênh tương tác, các công cụ hỗ trợ trong quá trình giảng dạy. Tuy cũng có khó khăn nhưng thấy những học sinh đang khát khao con chữ khiến tôi và các đồng nghiệp có thêm động lực để xây dựng những bài giảng trực tuyến ngày càng có chất lượng hơn.

Trương Huy