Khẩn trương hình thành sàn giao dịch việc làm, sàn giao dịch bất động sản quốc gia
Chiều 21/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về đề xuất xây dựng các sàn giao dịch về việc làm, bất động sản và quyền sử dụng đất.
Thúc đẩy mô hình sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định thống nhất tên gọi, nội hàm hoạt động giao dịch việc làm thông qua sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến. Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu thốn, lạc hậu. Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho dội ngũ cán bộ, nhân viên dịch vụ việc làm chưa được quan tâm, đầu tư đầy đủ. Cơ sở dữ liệu việc làm còn tản mát, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm. Công tác kiểm tra, giám sát tính minh bạch, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giao dịch việc làm còn nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự cần thiết hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia kết nối với các sàn giao dịch trực tuyến hiện có.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị cần xây dựng, ban hành quy định về chuẩn hóa trong thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu việc làm trên toàn quốc làm cơ sở tổ chức các hoạt động của sàn giao dịch việc làm và chia sẻ, kết nối thông tin dịch vụ việc làm công lập và tư nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức hoạt động giao dịch việc làm, nhất là trên không gian mạng.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, thị trường lao động cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với nguồn nhân lực lao động và người sử dụng cho cả khu vực công lập và tư nhân; kết nối thông tin việc làm tại những khu vực mà doanh nghiệp chưa bao phủ; khuyến khích sàn giao dịch việc làm của doanh nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành để chuẩn hóa dữ liệu, kết nối các trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập, tư nhân để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động cả nước có thể tiếp cận đầy đủ, thuận lợi.
“Chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa mô hình sàn giao dịch việc làm trực tuyến, có các giải pháp để những trung tâm môi giới lao động nước ngoài cũng có thể tham gia, từ đó bảo đảm quyền, lợi ích cho lao động xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nói.
Chuẩn hóa doanh nghiệp, hàng hóa giao dịch trên sàn
Về sàn giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên 1.600 sàn giao dịch bất động sản, góp phần hạn chế các giao dịch phi chính thức, chống thất thu thuế, cung cấp thông tin về thị trường bất động sản cho cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản đã gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, quản lý nhà nước và người dân. Các quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tạo kẽ hở cho các sàn giao dịch bất động sản lách luật để hoạt động kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện, duy trì hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản theo hướng bổ sung thêm các loại hình bất động sản phải giao dịch qua sàn để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân; chống thất thu thuế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hình thành công cụ quản lý thông tin của nhà nước để đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Đối với hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thị trường quyền sử dụng đất đã hình thành nhưng hoạt động thiếu ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, chưa có sự liên thông với thị trường sản xuất khác. Hệ thống thông tin về thị trường quyền sử dụng đất chưa đầy đủ dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế, chính sách để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá đất giao dịch thực tế trên thị trường để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giá đất. “Việc thành lập mô hình về sàn giao dịch bất động sản, trong đó có giao dịch về quyền sử dụng đất, là cần thiết và cấp bách, đồng thời tiến tới đồng bộ hoá quản trị quốc gia”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm cần hình thành sàn giao dịch quốc gia về bất động sản và quyền sử dụng đất, áp dụng cho cả tài sản công và khu vực tư nhân cũng như tạo điều kiện cho các sàn giao dịch tư nhân phát triển lành mạnh.
Các bộ, ngành cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản pháp lý quy định vị trí, mối quan hệ giữa sàn giao dịch bất động sản công lập và tư nhân; quy chuẩn, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, hàng hóa tham gia giao dịch trên sàn; cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành và trách nhiệm của các sàn giao dịch đối với doanh nghiệp, hàng hóa giao dịch trên sàn; cơ chế kết nối thông tin, dữ liệu giữa các sàn giao dịch…
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, “cần có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất mang tính chất dân sự, không có mục đích kinh doanh thực hiện trên sàn giao dịch”.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn