KHCN,ĐMST&CĐS: Chìa khóa phát triển đại dương bền vững
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực tuyên truyền ý nghĩa của biển, hải đảo đồng thời triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS) phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững.
Chủ đề năm nay do Liên hợp quốc lựa chọn là Đại dương kỳ diệu: Gìn giữ nguồn sống của nhân loại (Wonder: Sustaining What Sustains Us), thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy trách nhiệm chung tay gìn giữ đại dương, kêu gọi các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và các tổ chức hành động bảo vệ hệ sinh thái biển cho toàn nhân loại trong bối cảnh đại dương đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và các tác động của con người.
Tại Việt Nam, Tuần lễ Biển và Hải đảo được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 08/6 hằng năm. Đây là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển, thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời, với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể sẽ thực hiện các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Năm nay, với chủ đề "Công nghệ xanh để đại dương bền vững", càng khẳng định rõ nét định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với ứng dụng KHCN,ĐMST&CĐS. Đây là dịp để các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội nhìn lại tiềm năng to lớn của đại dương, đồng thời đánh giá đúng mức những thách thức, từ đó định hình hành động cụ thể vì mục tiêu biển xanh, sạch, giàu.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2025 với chủ đề "Công nghệ xanh để đại dương bền vững".
Từ thực tiễn đó, Bộ KH&CN đã ban hành công văn chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông về các chiến lược, chính sách biển, đặc biệt là Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 về phát triển bền vững kinh tế biển và quy hoạch không gia biển quốc gia. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tậm, như: Vai trò của biển, chủ quyền quốc gia, phát triển KHCN,ĐMST&CĐS trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển…
Đáng chú ý, Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển", mã số KC.09/21-30 được triển khai từ năm 2021 với mục tiêu: Xác lập cơ sở và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển và quản trị bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; Cung cấp luận cứ khoa học nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển tại các vùng biển và ven biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị kinh tế biển; Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562), năm 2025, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ về Khoa học biển nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo nhân lực biển trình độ cao, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp biển, đảo của đất nước.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lớn như bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phòng và chống sạt lở, xâm nhập mặn, giống thủy sản, mô hình hiệu quả và bền vững...; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của các địa phương có biển, đảo và gắn với doanh nghiệp; nâng cao vị thế ngành khoa học biển, gắn với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam thông qua các công bố quốc tế về khoa học biển; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về KH&CN biển trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền và vị thế học thuật của Việt Nam trên trường quốc tế, từng bước vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững giữa đại dương kỳ diệu của nhân loại.