Khi smartphone trở thành “nhà làm phim” chuyên nghiệp

09:12, 20/07/2013

Chân máy, đã xong. Micro, ổn, âm thanh trong và rõ. Ánh sáng tốt, thêm đèn hỗ trợ là xong... Hướng camera từ… điện thoại di động. Bắt đầu quay!

Đọc lướt, các bạn nghĩ chúng tôi đang chuẩn bị cho một hệ thống những máy quay phim, nhưng không hề, những chiếc smartphone (điện thoại di động thông minh) đang chuẩn bị ghi hình. 


Hiện, hầu hết chúng ta đều chưa quen với việc trở thành nhà làm phim cùng với các thiết bị thông thường, mà ai cũng thấy, dường như chỉ để… thực hiện các cuộc đàm thoại.

Thế giới công nghệ luôn mang lại những trải nghiệm thú vị. Nếu thực hiện một chương trình làm phim, như các bạn thường thấy trên truyền hình, sẽ cần có nguồn kinh phí lớn, với những thiết bị cồng kềnh. Trong khi đó, một thực tế rằng, các bạn hoàn toàn có thể quay video, làm phim với những công cụ đơn giản như máy số, thậm chí là smartphone.


 


Ít ai chú ý, các camera tích hợp sẵn trong smartphone có thể có độ phân giải cao hơn so với thiết bị phát sóng độ nét tiêu chuẩn.

Chúng ta cùng xem xét một số cách để có được những thước phim tốt nhất từ smartphone của bạn.

Chiến thuật “ngọt sắc trên lưỡi dao”

Đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, nổi tiếng với bộ phim Oldboy, tuyên bố ông sẽ quay một bộ phim dài 30 phút mang tên Night Fishing, mà chỉ cần sử dụng… một chiếc iPhone 4. Tuy nhiên, Park sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như khi thực hiện các bộ phim lớn của mình. Một chiếc iPhone 4 sẽ là “máy quay” chính, 10 chiếc iPhone khác sẽ cùng lúc hỗ trợ, để đảm bảo những góc quay khác nhau mà không tốn công sức.
 
Một đạo diễn khác - Malik Bendjelloul mới đây cũng đã sử dụng một chiếc iPhone và các ứng dụng cho iPhone, trong đó có ứng dụng “8m” (chỉ tốn có 2 USD) để  giành… giải Oscar năm 2013 với phim tài liệu Searching for Sugar Man.
 
Malik bắt đầu quay phim với một camera Super 8, đó là công cụ khá đắt. Và ông nhanh chóng cạn kinh phí nếu cứ chạy đua theo công nghệ, chỉ cần thêm một vài khung hình nữa thôi... và Malik chợt phát hiện ra có một ứng dụng “2 USD” trên iPhone của mình, ông đã tận dụng nó, kết quả là có những đoạn phim giống như ở các bộ phim thực sự, được thực hiện từ những máy quay chuyên dụng đắt tiền.

Dù là nhà làm phim chuyên nghiệp, hay dân chơi công nghệ, đều sớm nhận thấy những tiện ích tuyệt vời, từ những trợ thủ đắc lực là những chiếc smartphone. Họ không quá phụ thuộc vào thiết bị công nghệ, mà vẫn đảm bảo sản phẩm của mình là những clip hay bộ phim hay. Giống như một Samurai, luôn mang bên mình một thanh đoản kiếm “sắc ngọt”, nhiều trường hợp lai trở thành vũ khí chính ít ai ngờ.

Tận dụng những “kỹ năng” của thiết bị

Những chiếc smartphone thế hệ mới, không chỉ có camera độ phân giải cao, mà tích hợp sẵn, hoặc bạn cũng có thể mua những ứng dụng hỗ trợ chuyên dùng cho video. Khi quay video, smartphone hoàn toàn đáp ứng những kỹ thuật cần thiết: Như zoom, quay cận cảnh, chống rung, tinh chỉnh độ tương phản, biên tập, chỉnh sửa file video…

Chịu khó khám phá những tính năng chuyên biệt về video trên smartphone, bạn có thể có được những thước phim tốt, chất lượng hình ảnh không thua kém so với dùng máy quay.

Ổn định tư thế smartphone


Hầu hết các nhà sản xuất điện thoại di động không sản xuất kèm một chân máy cho sản phẩm của họ, tuy nhiên, sẽ không quá khó khăn khi bạn muốn đính kèm một thiết bị chỉ nặng khoảng 140g (như iPhone 4 chẳng hạn) vào cái gì đó ổn định.

Làm thế nào bạn gắn một chiếc điện thoại Android lên mui một chiếc xe hơi? Hay ở những vị trí lý tưởng cho “ống kính” của chiếc smartphone luôn đồng hành cùng bạn trong những chuyến đi.

Chưa có chân máy, hoặc lỡ quên không mang theo, với một chút sáng tạo, từ những vật dụng đơn giản, bạn có thể yên tâm ổn định tư thế smartphone của mình: một cuộn băng dính bản to, hay băng cao su, kẹp, ống hút… hay 10 phút trong một cửa hàng chuyên phụ kiện phần cứng sẽ mang lại cho bạn một loạt các ý tưởng, mà nhờ đó bạn sẽ đỡ tốn kém và mất thời gian.
 
Nếu bạn thấy chân máy có vẻ “kém” tác dụng, bạn hoàn có thể khám phá những tiện ích từ chính… cơ thể của bạn. Khả năng tập trung cao độ, góc nhìn tinh tế, đôi chân vững vàng, đôi tay linh hoạt, và chắc chắn, một ai đó chung đường, sẵn sàng nhường bờ vai, thậm chí là tấm lưng cho bạn, khi đó bạn yên tâm cố định smartphone trong khoảng thời gian cần thiết. Hoặc, cũng có thể thử đặt lên trên những chiếc áo khoác được xếp lên nhau, tạo nên mặt phẳng đủ để làm điểm tựa cho bạn khi cần. 
 
Giữ hình ảnh và âm thanh rõ ràng


Việc ổn định góc quay, khi có thêm chân máy hỗ trợ, sẽ đảm bảo hình ảnh không bị rung, không bị “ngắt quãng”. Bên cạnh đó, bạn cũng chú ý khả năng “tự vệ” của smartphone trước ngoại cảnh như: Chống rung, chống sốc, lọc tiếng, tự điều chỉnh ISO theo điều kiện ánh sáng, tính năng quay ban đêm, ghi hình “bám theo” chuyển động…

Bạn cũng cân nhắc việc sử dụng một thiết bị ghi âm bên ngoài, hoặc micro phụ để ghi lại các âm thanh, nhất là khi bạn đang ở gần chủ thể, như khi đang phỏng vấn chẳng hạn.  

Ánh sáng là một trong những “chìa khóa” thành công của một  video tốt, và đó là khó khăn đặc biệt đối với điện thoại di động. Smartphone thường mặc định tự động tất cả các tính năng. Điều này có nghĩa rằng, việc di chuyển smartphone của bạn tạo thành những “khoảng tối” có thể đẩy ISO đến những nơi mà bạn muốn cũng khó có được.
 
“Trường nhạy sáng”

Một yếu tố quan trọng bạn cần lưu ý, đó là “Dynamic Range” - dải tần nhạy sáng hay phạm vi của độ sáng, mà một Smartphone có thể bao quát.

Mắt người là công cụ rất nhạy cảm, và cực kỳ tốt khi quan sát những thứ tối và sáng cùng một lúc. Trong khi đó, camera của smartphone khó có thể đạt được như vậy. Điều này có nghĩa rằng, bạn sẽ có rất nhiều vùng tối trong một cảnh, hoặc “chớp” một cái gì đó rất tươi sáng; khi quay video bằng smartphone, sẽ thiếu sáng hoặc thừa sáng.

Vì vậy, những gì bạn cần làm để đảm bảo điều này không xảy ra là nén trường nhạy sáng lại. Làm thế nào để bạn làm điều này? Bạn hãy tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, phân bổ những khoảng sáng, tối hợp lí cho camera của smartphone. Và bạn cần sử dụng các nguyên tắc chiếu sáng cơ bản đó là “key” và “fill” (key light - Ánh sáng chính, sẽ chiếu sáng trực tiếp vào chủ thể, hoặc bố cục khung hình trọng điểm. Fill light - Ánh sáng lấp đầy, đảm bảo tầm bao quát toàn khung hình cần thực hiện, ví như khuôn mặt của chủ thể cần quay).
 
Ứng dụng đi kèm

Một loạt các ứng dụng thú vị dành riêng sẽ giúp video của bạn được cải thiện rất nhiều về chất lượng, và chúng đều khá rẻ tiền.
 

Camera Plus Pro (2 USD): là một trong những ứng dụng điện thoại di động tốt nhất hiện có, cho phép bạn điều chỉnh phơi sáng, thêm bộ lọc, làm chủ thời gian và chia sẻ trên một số mạng xã hội.
 

8mm Vintage Camera (2 USD): mang đến cho iPhone và iPod Touch khả năng nắm bắt vẻ đẹp và sự kỳ diệu của phim cổ điển. Bằng cách pha trộn, kết hợp các bộ phim và ống kính, bạn có thể tái tạo lại bầu không khí của những thời đại đã qua. Nó được các nhà làm phim chuyên nghiệp ưa dùng, mặc dù giá thấp.
 

Miniatures Pro (5 USD): một trong những ứng được nhiều nhà làm phim ưa thích, với khả năng tạo “dòng chảy thời gian”, mang đến cho bạn những thước phim quay cảnh “các thành phố đang di chuyển nhanh”; hay những thước phim cần phối cảnh tương tự, góp phần làm cho bộ phim thêm sinh động.
 
Một số lựa chọn thiết bị, phụ kiện


Photojojo (www.photojojo.com): cung cấp cho bạn một loạt các phụ kiện thú vị, từ bộ lọc phân cực, ống kính phụ trợ, “bộ đồ lặn” cho iPhone… giúp phát huy tối đa lợi thế lớn từ trọng lượng, đèn flash đến tính di động của smartphone.
 

camalapse 3 (30 USD): một chân máy “ma thuật” với khả năng hẹn giờ, khi gắn với smartphone của bạn, camalapse 3 tự động quay 360 độ liên tục trong khoảng 60 phút. Có nghĩa là, bạn có thể ghi lại mọi khoảnh khắc tuyệt vời từ cảnh mặt trời thơ mộng, một sớm bên bãi biển, một góc phố đông đúc… bất cứ điều gì hiện thực trong tâm trí của bạn.
 

iStabilizer Dolly (60 USD): thiết bị nhỏ gọn có kích thước như một cánh tay “robot mini”, cho phép smartphone của bạn di chuyển linh hoạt trên các bề mặt để ghi lại những khung hình độc đáo, đầy tính sáng tạo.
 

The Steadicam Smoothee (169 USD): Một chân đế có thiết kế cong, kiêm tay cầm chắc chắn, giúp bạn ổn định và kiểm soát dễ dàng tầm bao quát của smartphone.
 

Glif Studio Neat (20 USD): hỗ trợ thêm gắn kết cho smartphone của bạn, chỉ cần chụp nó vào một phần cạnh smartphone, tiếp đó bạn sẽ dễ dàng gắn vào một chân máy, hoặc gắn vào những vị trí có thể bắt vít được, như treo “lơ lửng” smartphone ở thành lan can chẳng hạn.
 
Biên tập và chỉnh sửa


Sau khi hoàn thành video của mình, bạn đưa nó vào phần mềm chỉnh sửa mà bạn yêu thích, được cài đặt trên máy tính hay laptop. Sau đó, bạn sẽ từng bước biên tập và chỉnh sửa file video của mình: đặt tiêu đề, thêm phụ đề, lọc và tinh chỉnh hình ảnh, âm thanh, hiệu chỉnh màu sắc, tạo những hiệu ứng tăng phần cảm hứng sáng tạo… Rồi chờ đợi sản phẩm cuối cùng của bạn hoàn thành.
 
Kết luận

Như những gì chúng ta đã thấy qua trải nghiệm từ các nhà làm phim như Bendjelloul và Ortega. Bạn đã có thể sẵn sàng cùng chiếc smartphone yêu thích của mình trở thành những “nhà làm phim” tài ba, chuyên nghiệp.

Đây là danh sách một số lựa chọn video smartphone được cho là “tốt nhất” năm 2013: Nokia 808 PureView, Apple iPhone 5, Samsung Galaxy S 4, HTC, Nokia Lumia 920.

Các bạn còn chần chừ gì nữa!

Chu Tấn
TIN LIÊN QUAN