Không còn là những đứa trẻ thơ khi làm bạn với mạng xã hội
Mới đây câu chuyện chủ kênh Youtuber Thơ Nguyễn đăng clip có nội dung bùa ngải, truyền bá mê tín dị đoan, một lần nữa dấy lên lời cảnh tỉnh trước nội dung xấu, độc tràn lan trên mạng.
Ngày 25, 27/2 vừa qua YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip trên Tik Tok về búp bê “xin vía học giỏi” cho các bạn nhỏ đã làm cho dư luận không ít xôn xao. Ngay sau đó, cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay vì cho rằng nội dung độc hại và gây liên tưởng Kumathong (búp bê “bùa ngải” của Thái Lan).
Đây không phải là youtuber duy nhất bị phản ánh là nội dung độc hại và cũng không phải lần đầu tiên nữ youtuber này bị phản ánh tuy nhiên không thể phản ánh hết cả nghìn clip chủ yếu dành cho trẻ em trên kênh cá nhân. Người này từng bị chỉ trích vì clip làm bồn tắm thạch Gelli Baf khổng lồ. Hoặc loạt thí nghiệm, thử thách ngại như: bỏ đá khô vào chai kín gây nổ, đun bia và nước ngọt trên bếp.
Có đủ trò nghịch dại khác mà các youtuber nghĩ ra để câu view. Chẳng hạn youtuber Nguyễn Thành Nam từng đăng clip thả gần 100 con dao từ trên cao xuống dưới khiến người xem rợn tóc gáy. Những trò độc, quái dị khác như thử dùng móc áo treo cổ, thử thách thắt cổ mà vẫn thở... nằm trong muôn vàn nội dung xấu, độc khác trên mạng xã hội.
Dù có cảnh báo nhưng vẫn một phần nào đó các em nhỏ có tính tò mò, tinh nghịch học theo những hành động trong video. Trong những năm qua, số vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em do ảnh hưởng từ những video nhảm, video độc hại... ngày càng nhiều nhưng dường như các bậc cha mẹ vẫn chưa thực sự cảnh giác với nguồn nguy cơ này.
Tháng 11/2019, một bé trai 7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM được gia đình phát hiện đang treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, người tím ngắt, ngất lịm. Do được cấp cứu kịp thời nên cậu bé giữ được tính mạng. Khi được hỏi, bé cho biết, mình làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.
Không may mắn như cậu bé này, ngày 26/11/2020, một bé trai 8 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai được gia đình phát hiện tử vong trong nhà tắm với tư thế treo lơ lửng ở sát tường.
Trước đó, ngày 12/10, một cháu bé 5 tuổi ở TP HCM đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Người nhà của các nạn nhân này đều đặt giả thuyết con đã bắt chước những video "thử thách treo cổ không chết" trên mạng.
Báo cáo của YouTube cho biết, chỉ riêng trong quý III/2020, nền tảng này đã xóa tổng cộng 7,8 triệu video vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Trong đó, số video bị xóa đến từ IP Việt Nam là 173.000, xếp thứ 9 thế giới về số lượng vi phạm. Các video vi phạm chủ yếu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, quấy rối, hoặc gây thù hận. Đặc biệt, gần 32% số video bị xóa trên toàn thế giới mang nội dung nguy hiểm cho trẻ em.
Trẻ em làm bạn với điện thoại, máy tính bảng hằng ngày. Ảnh minh họa
Ngoài ra, những nền tảng như YouTube hay các kênh video giải trí khác cũng cần phải được quản lý chặt chẽ. Mỗi ngày gia đình cần kiểm tra trong lịch sử xem con đã xem qua những video nào, bên cạnh đó những biện pháp như khóa các kênh không phù hợp với lứa tuổi cũng là lựa chọn rất hữu ích.
Bố mẹ cũng nên thẳng thắn trao đổi hướng dẫn trẻ những video nào là bổ ích, video nào chưa phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể bảo vệ mình. Đừng vì mãi kiếm tiền mà "khoán trắng" điện thoại, máy tính bảng làm bạn với con mình.
Trong thời đại công nghệ, bố mẹ không thể cấm hoàn toàn việc con tiếp xúc với những nội dung giải trí trên Internet nhưng sẽ hạn chế được những video độc hại ảnh hưởng đến con cái nếu lưu ý những điều dưới đây.
- Sử dụng chế độ (ứng dụng) dành cho trẻ em của các nền tảng video.
- Bật chế độ hạn chế (Restricted Mode)
- Hạn chế cho trẻ sử dụng tai nghe để người lớn có thể dễ dàng theo dõi, kiểm soát nội dung trẻ đang xem.
- Chuẩn bị sẵn các kênh phù hợp cho trẻ và yêu cầu chỉ được xem các kênh này.
- Xem cùng trẻ.
Hoàng Hoài