Kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn ở khoảng cách khá xa so với khu vực
Đánh giá về thực tiễn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, Giám đốc GIZ cho rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới...
Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”.
Ngày 12/9 tại Hải Phòng, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển - Go Circular”.
Khó thực thi kinh tế tuần hoàn do chậm trễ xây dựng chính sách
Diễn đàn nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ và bà Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo vụ cục Bộ ngành và địa phương đã cùng thảo luận về cách thức điều phối, phối hợp hành động để xây dựng chỉ số và tiêu chí kinh tế tuần hoàn cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn cũng như những giải pháp đột phá, khả thi nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, sau hơn hai năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ tại Quyết định số 687, chúng ta đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn được triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy hiện thực hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối.
Nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng; nhiều ngành đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp (như tái chế giấy vụn, đồ nhựa, sắt, thép...).
Dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng thừa nhận thực tiễn cho thấy một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho việc thực thi. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.
Báo cáo kết quả thực hiện và định hướng nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bước đầu chúng ta đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho kinh tế tuần hoàn.
Ông Cương cho biết, đến 30/6/2024, 50 tổ chức tín dụng báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.300 tỷ đồng, trong đó năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm trên 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%). Chúng ta cũng đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của của các sáng kiến/mô hình kinh tế tuần hoàn trên thực tiễn, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Phát biểu tại Diễn đàn bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của Đức trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, những thách thức và giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn, để Việt Nam có thể phát triển mô hình riêng cho mình.
Mỗi quốc gia và mỗi lĩnh vực đều cần chính sách kinh tế tuần hoàn phù hợp với thực tế của nền kinh tế, do đó thay mặt Chính phủ Đức, GIZ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, nguyên liệu thô và tái chế”.
“Là quốc gia sản xuất và là đối tác thương mại quan trọng của Đức và Liên minh Châu Âu, với khu vực kinh tế tư nhân năng động dưới sự lãnh đạo quyết tâm cao của chính phủ, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm sản xuất xanh, tái chế, sửa chữa và thiết kế lại các sản phẩm và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Michaela Baur đánh giá.
6 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy triển khai kinh tế tuần hoàn
Đánh giá về thực tiễn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, Giám đốc GIZ cho rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực EU.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện một cách quyết l iệt
Để thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện một cách quyết liệt như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ chính sách... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào, tăng trưởng kinh tế bên vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả
Thứ hai, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả trong các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường; Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra; Lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh, có vai trò dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn nền kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao, thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút nhân tài.
Thứ năm, truyền thông để người dân thay đổi tư duy tiêu dung theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa than thiện với môi trường. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí sử dụng và tái chế rác.
Thứ sáu, tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, các phong trào thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển.
Đồng thời nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi thành phần kinh tế đều được trao cơ hội. Qua đó phát huy tối đa năng lực doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả.