LG chi tỉ USD cho công nghệ màn hình OLED
(Telecom&IT) - Những thông tin mới cập nhật cho thấy, LG Display sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào dây chuyền sản xuất màn hình OLED dẻo thế hệ thứ 6 tại nhà máy mới sắp xây...
Động thái này sẽ giúp đưa tên tuổi LG lên đứng đầu thị trường màn hình OLED đang rất béo bở hiện nay và nhằm đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất smartphone màn hình cong trong vài năm tới.
Được biết, dây chuyền mới của LG Display sẽ đặt tại nhà máy Gumi, tỉnh Gyeongbuk, Hàn Quốc với công suất dự kiến đạt 7.500 tấm (kích cỡ 1.5m x 1.850mm) màn hình OLED mỗi tháng. Dây chuyền mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động đủ công suất nửa đầu năm 2017 với mức đầu tư cụ thể là 907 triệu USD.
Nhà máy sẽ không chỉ tập trung vào màn hình uốn cong, mà còn tạo ra những hệ màn hình có thể gập lại để không chỉ sử dụng trên điện thoại và thiết bị đeo, mà còn sử dụng trên xe hơi.
Với ưu điểm chính của màn hình OLED dẻo là khả năng có thể gập được nhờ sử dụng tấm nhựa thay vì tấm kính như màn hình OLED thông thường. Vật liệu này có tiềm năng ứng dụng rất cao trong nhiều lĩnh vực công nghệ hiện đại sau này.
LG Display không phải là tên tuổi quá xa lạ với màn hình uốn cong, tháng 5/2015 trước đó, LG Display đã giới thiệu màn hình OLED 55 inch có thể dán lên tường bằng nam châm, sau khi ra mắt phiên bản 22 inch vào năm ngoái. Công nghệ OLED dẻo hiện đang được LG triển khai cho cả smartphone, tự động hóa và các thiết bị đeo.
Theo hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu IHS DisplaySearch, thị trường OELD dẻo dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm 2015 với doanh số dự kiến tăng từ 3,5 tỉ USD (2015) lên 4,8 tỉ USD năm 2021.
Ngoài LG Display, một bộ phận khác của LG là LG Chem cũng đang nghiên cứu phát triển pin dẻo để sử dụng trong các thiết bị có màn hình uốn cong và có thể gập lại.