Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện tốt quy hoạch báo chí
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng Bộ sẵn sàng, tiếp nhận quản lý và làm việc trực tiếp với các đơn vị báo và tạp chí thuộc Liên hiệp Hội để tăng tính hiệu quả hoạt động của báo chí.
- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh 135 nhà khoa học tiêu biểu năm 2024
- Đề xuất sửa cơ chế tài chính tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
- Đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chiều 27/11, tại Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc trực tiếp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) về khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTC ngày 03/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương chủ trì buổi làm việc. Ảnh : Anh Thy
Thiết lập cơ chế quản lý báo, tạp chí hiệu quả
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, đây là buổi làm việc quan trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện lãnh đạo LHH và các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc LHH, trực thuộc các cơ quan chủ quản là hội ngành và viện thuộc LHH. Trên cơ sở đó, bàn giải pháp nghiên cứu, để LHH thiết lập tổ chức phương thức, đề ra cơ chế quản lý báo chí đạt hiệu quả.
Theo báo cáo sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của LHH cho biết, đến thời điểm này, sau quy hoạch, số lượng báo và tạp chí trực thuộc LHH đã giảm xuống 36 cơ quan báo và tạp chí. Hiện LHH có 1 tờ báo và 18 tạp chí đang hoạt động.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các ý kiến từ lãnh đạo các cơ quan báo và tạp chí thuộc LHH và thuộc cơ quan hội ngành, viện trực thuộc LHH đều cho rằng, đặc thù của tổ chức LHH có hàm lượng chất xám cao, là cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, có trên 3,7 triệu hội viên trong đó 2,2 triệu trí thức tham gia (chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước), có 63 LHH tỉnh, thành phố, 93 hội ngành toàn quốc, hơn 900 tổ chức khoa học và công nghệ (là các viện, trung tâm nghiên cứu, liên hiệp khoa học sản xuất), trong đó có hơn 400 tổ chức trực thuộc Đoàn Chủ tịch LHH.
Phó Chủ tịch LHH Phạm Ngọc Linh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Thy
Hiện nay, sau 5 năm tổ chức sắp xếp quy hoạch báo chí, LHH hiện quản lý 1 cơ quan báo và 18 cơ quan tạp chí. Các ý kiến cho rằng, đây là điều kiện tốt để các cơ quan báo và tạp chí chuyên ngành truyền tải thông tin khoa học, kỹ thuật, ứng dụng vào cuộc sống, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước theo định hướng đúng và trúng của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt là các cơ quan này mặc dù không được hưởng ngân sách Nhà nước nhưng vẫn tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chính sách thông tin khoa học, nghiên cứu chuyên sâu.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch LHH cho rằng, LHH đã phối hợp với các viện thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo đúng quy định của Luật Báo chí và quy hoạch báo chí toàn quốc. Hiện các tạp chí thuộc các viện về cơ bản hoạt động ổn định và phát triển, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại khó khăn nhất định.
LHH thường thông qua các viện để nắm bắt, chỉ đạo hoạt động của các tạp chí và tăng cường hoạt động quản lý các viện trong hoạt động chủ quản báo chí. Cho đến nay, trong Luật Báo chí và văn bản hướng dẫn thực hiện luật, chưa có văn bản nào quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của LHH là cơ quan của các viện trong quy trình thực hiện thủ tục xin cấp phép hoạt động tạp chí. Việc thiếu văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các bên trong quản lý tạp chí thuộc viện đã khiến cho LHH thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản liên đới.
Bên cạnh đó ông Linh cho biết, các chi bộ của viện và tạp chí hiện tại không trực thuộc Đảng bộ LHH. Theo Quy định 162-QĐ/TW ngày 29/5/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan hội quần chúng, các chi bộ của đơn vị này nếu có thuộc Đảng bộ LHH sẽ phải chuyển về trụ sở nơi đặt tạp chí. Vì thế hiện LHH đang thiếu công cụ tham gia quản lý các tạp chí thuộc viện theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thiếu quy định pháp luật rõ ràng và cơ chế phối hợp giữa LHH và ban, bộ khiến cho việc quản lý các tạp chí gặp nhiều khó khăn.
Nhưng không vì “tình trạng không quản được, hoặc quản khó là cấm” mà dựa trên tinh thần đúng như chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư Tô Lâm), tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đó là cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…
Nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo các đơn vị báo, tạp chí trong buổi làm việc. Ảnh: Anh Thy
Cần cuộc sàng lọc chất lượng hoạt động để phát triển
Các ý kiến nêu quan điểm cần có một cuộc sàng lọc, thẩm định chất lượng hoạt động của các cơ quan tạp chí để qua đó tinh lọc và tạo điều kiện cho các cơ quan, tạp chí đang hoạt động tốt, có hiệu quả và chất lượng được tiếp tục phát triển, tránh cách nhìn nhận phân biệt đối xử tạp chí thuộc công lập hay ngoài công lập, thuộc hội hay thuộc viện.
Theo báo cáo của LHH, số liệu thống kê chưa đầy đủ tại thời điểm đầu năm 2019, trong hệ thống LHH, các hội thành viên và tổ chức trực thuộc có khoảng 113 cơ quan báo, tạp chí. Trong đó 4 tờ báo trực thuộc Đoàn Chủ tịch LHH gồm: Báo Khoa học và Đời sống; Báo Đất Việt; Báo điện tử Kiến thức; Báo điện tử Tầm nhìn.
Về cơ quan báo, tạp chí trực thuộc LHH địa phương gồm 1 báo (Khoa học phổ thông (LHH TP Hồ Chí Minh): 3 tạp chí (Tạp chí Khoa học thời đại (LHH Bình Phước); Tạp chí Trí thức Phú Yên (LHH Phú Yên); Tạp chí Khoa học Kinh tế Hải Phòng (LHH Hải Phòng).
Ngoài ra còn có 8 tờ báo trực thuộc các hội, 69 tờ tạp chí trực thuộc các hội ngành và các chi hội trực thuộc của các hội và 27 tạp chí trực thuộc các viện trực thuộc LHH quản lý.
Tuy nhiên, sau quy hoạch báo chí, LHH đã sắp xếp 4 cơ quan báo chí (Khoa học và Đời sống; Đất Việt; Điện tử Kiến thức; Điện tử Tầm nhìn) thành cơ quan báo chí mới đó là Báo Tri thức và Cuộc sống.
Hiện tại số lượng tạp chí trực thuộc viện là 18 tạp chí (giảm 3 tạp chí so với thời điểm tháng 12/2020.
Nhà báo Nguyễn Thị Hoa, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển nêu ý kiến. Ảnh: Anh Thy
Nhà báo Nguyễn Thị Hoa, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, nói: “Chúng tôi hoàn toàn dựa vào nội tại và tâm huyết đam mê nghề nghiệp để phát triển... Chúng tôi hoàn toàn tự tin khẳng định, tạp chí đang phát triển đúng tôn chỉ mục đích, tự chủ về tài chính, mạnh dạn đầu tư công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất tin bài, hoạt động tòa soạn hội tụ số bài bản và chuyên nghiệp. Các tuyến bài tuyên truyền về văn hóa, đặc biệt vừa qua là vấn đề trong tuyên truyền về thực hành tín ngưỡng “Thờ Mẫu” đã đạt hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần “chấn hưng văn hóa”...
Nhà báo Nguyễn Thị Hoa đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cân nhắc đến tính hiệu quả trong hoạt động, tác nghiệp của các cơ quan báo, tạp chí chuyên nghiệp thuộc LHH, để góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước cùng phát triển.
Làm rõ tính đặc thù về tôn chỉ, mục đích trong các cơ quan báo và tạp chí?
Nhà báo Nguyễn Danh Châu, Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống cho rằng: Chúng tôi đã nhiều lần tham mưu cùng LHH nên tổ chức các hội thảo có quy mô lớn để làm rõ, cách nhìn nhận đúng tôn chỉ là gì, mục đích là gì trong hoạt động đặc thù của các các cơ quan báo chí, góp phần đầy mạnh công tác truyền thông báo chí, gỡ vướng cho các cơ quan báo và tạp chí hoạt động bình đẳng và hiệu quả.
Sau 4 năm hoạt động sau quy hoạch, cơ quan báo chúng tôi là đơn vị hợp nhất bởi 4 cơ quan báo thuộc LHH gồm: “Khoa học và Đời sống; Đất Việt; Điện tử Kiến thức; Điện tử Tầm nhìn” thành cơ quan báo chí mới đó là Báo Tri thức và Cuộc sống là đơn vị có tôn chỉ mục đích rõ ràng và rộng mở. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động tác nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, bình thường đưa thông tin thông thường thì được, nhưng nếu cứ thông tin động chạm đến vấn đề “có vi phạm tiêu cực”, lập tức kiểu gì cũng có “đơn thư”.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là “công tác tư vấn, giám sát phản biện là như thế nào?”, trong khi tờ báo của chúng tôi là tờ báo lớn “vấn đề phản ánh tiêu cực trong đầu tư công, trong xây dựng, sai phạm trong đấu thầu... thì các cơ quan chức năng lại cho rằng không đúng tôn chỉ mục đích.
Nhà báo Nguyễn Danh Châu, Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống nêu ý kiến. Ảnh: Anh Thy
Còn rất nhiều ý kiến là đại diện lãnh đạo đến từ các cơ quan tạp chí thuộc LHH có thâm niên hoạt động hơn 30 năm kể từ ngày thành lập, đều chung quan điểm mặc dù là tạp chí chuyên ngành, nhưng tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp, tác nghiệp báo chí đều hội đủ những tư duy và phẩm chất, đạo đức của người làm báo. Chính vì thế việc Bộ Thông tin và Truyền thông duy trì việc cấp thẻ nhà báo để họ được tác nghiệp và làm việc trong môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho rằng, thực hiện quy hoạch báo chí là để phát triển chứ không phải để đóng cửa
Tiếp thu những chia sẻ thông tin, ý kiến đề xuất từ đại diện các cơ quan báo và tạp chí thuộc LHH, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, quy hoạch báo chí là để phát triển chứ không phải để đóng cửa.
Cũng theo ông Phúc, có một điều đặt ra ở đây là tại LHH có đặc thù có những đơn vị con hoạt động dưới mô hình “chủ quản của chủ quản” vậy LHH sẽ phải có phương án như thế nào để thiết lập cơ chế quản lý các cơ quan báo và tạp chí có đơn vị con làm chủ quản, để không để xảy ra những sai sót đáng tiếc trong công tác quản lý báo chí có tính đặc thù này.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, trong trường hợp LHH mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ quản lý hoạt động thuộc lĩnh vực đặc thù của các cơ quan báo và tạp chí, thì sẽ sẵn sàng tiếp nhận, quản lý và làm việc trực tiếp với các đơn vị báo và tạp chí thuộc LHH. Việc làm trên nhằm mục đích hướng tới nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong kỷ nguyên số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.