Livestream bán hàng trực tuyến: Đầu ra cho doanh nghiệp
Làm thế nào để thích ứng với xu hướng mua sắm trực tuyến cùng các phương thức bán hàng mới nổi trên thị trường là điều đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm và trăn trở trong bối cảnh sức mua giảm cùng với những bất ổn kinh tế...
- Các chuyên gia nói gì về phiên livestream 75 tỉ đồng?
- Phối hợp kiểm tra sau phát ngôn gây sốc trên livestream của Nam Em
- Các nhà mạng chuẩn bị tốt cho khách livestream tại thời điểm giao thừa
- Livestream bán hàng: Sáng tạo mới dựa trên giá trị truyền thống
- Livestream cờ bạc trên TikTok là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý hình sự
- Livestream chia sẻ cách giúp doanh nghiệp vượt suy thoái kinh tế
- Triệt phá cơ sở livestream hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên Facebook
- Chuyên gia lo ngại về quy định muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép?
- Spider Player 2.1- Chương trình nghe nhạc đa năng
Giữa lúc kinh tế khó khăn, việc livestream bán hàng trực tuyến như một làn gió mới giúp doanh nghiệp trụ vững trong khó khăn. Nhìn từ tính hiệu quả của “làn gió” này có thể thấy việc mạnh dạn tăng tốc bán hàng thông qua ứng dụng công nghệ mới nổi là rất cần thiết, giúp tiếp cận đa dạng người mua, cải thiện đầu ra, tăng doanh số, giảm chi phí trung gian, từ đó doanh nghiệp không còn mối lo phải rút lui khỏi thị trường.
Gia tăng cầu nối sản phẩm – khách hàng
Triển lãm Xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam tại Quảng Ninh vừa qua đã sôi động ngay sau thời khắc bấm nút khai mạc bởi các phiên livestream tại các gian hàng. “Khách hàng mua hàng từ các phiên livestreams cũng có những trải nghiệm thực tế không kém mua hàng trực tiếp thông qua các trao đổi, giới thiệu sản phẩm chi tiết, trực quan. Đây là xu hướng mua sắm mới và chúng tôi không muốn bỏ qua cơ hội tiếp cận với nhóm khách hàng trẻ”, ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc Trường Sinh Group, chia sẻ.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết công ty hiện đang bán hàng trên nhiều kênh trực tiếp kết hợp với trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hoặc website của công ty. Năm 2023, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng truyền thống và một số thị trường xuất khẩu của Việt Thắng Jean giảm nhẹ, nhưng doanh thu bán hàng trực tuyến lại tăng 25 - 30% so với năm 2022.
Ảnh minh họa.
Tương tự, sau khi thị trường xuất khẩu liên tục bị sụt giảm do khó khăn kinh tế chung, nhà sản xuất cà phê nông sản Meet More tăng cường mở rộng thị trường nội địa qua kênh phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa... Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, hiện kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng như bán online và gần đây là livestream đã chiếm hơn 50% tổng doanh số Meet More. “Qua kênh bán hàng này, chúng tôi còn giới thiệu được thương hiệu và chi tiết sản phẩm đến người dùng một cách gần gũi hơn mà lại ít tốn kém”, ông Luận cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Food, nhờ bán hàng livestream nên doanh nghiệp của ông đã chốt được đơn hàng với số lượng lớn, có ngày lên tới gần 800 đơn, cho doanh thu hơn 46 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng lớn, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ba Huân, cũng dự kiến mở rộng kênh bán hàng trực tuyến để đón đầu xu thế và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng cho biết thay vì chỉ dựa vào kênh phân phối siêu thị hay các đại lý bán lẻ, cửa hàng, giờ đây họ tăng cường bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng qua kênh thương mại điện tử, livestream.
Trong khuôn khổ buổi công bố hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra ở TP.HCM vào tháng 3 vừa qua, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido, cho biết những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến của Kido chiếm gần 70%. “Trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale,... hay khi các nền tảng tung ra mã khuyến mại hay voucher thì đều có lợi cho người tiêu dùng”, ông Nguyên nói.
Nhìn từ tính hiệu quả của “làn gió” này có thể thấy việc mạnh dạn tăng tốc bán hàng thông qua ứng dụng công nghệ mới nổi là rất cần thiết.
Không chỉ với thương mại điện tử, việc tăng các điểm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng là điều mà các doanh nghiệp Việt làm để “thoát khó” về mặt đầu ra và mở rộng thị trường nội địa. Từ đầu năm đến nay, Công ty May 10 đã khai trương hàng loạt trung tâm thời trang tại các tỉnh thành. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, cho biết việc ra mắt các trung tâm này nhằm mang lại cho khách hàng tại khu vực sự phục vụ tốt nhất. Đồng thời, đây cũng là hướng đi của May 10 trong mục tiêu “xuất khẩu tại chỗ”, với đối tượng là khách hàng du lịch quốc tế khi đến thăm Việt Nam.
Tương tự, nhà sản xuất giày dép Biti’s vẫn duy trì hơn 200 cửa hàng tự doanh, bên cạnh khoảng 700 đại lý bán lẻ trên toàn quốc. “Không chỉ bán hàng, các cửa hàng tự doanh là sự hiện diện và tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng của Biti’s. Để gia tăng lượng bán hàng cũng như tiếp xúc nhiều hơn nữa với khách hàng, chúng tôi không ngừng cập nhật và mở rộng kênh bán hàng mới. Khách hàng hiện diện ở đâu chúng tôi có mặt ở đó”, bà Vưu Lệ Quyên, CEO Công ty Biti’s, nói...
Theo VnEconomy
https://vneconomy.vn/livestream-ban-hang-truc-tuyen-dau-ra-cho-doanh-nghiep.htm